Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

ĐỪNG VÌ 30 ĐỒNG BẠC



THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Lời Chúa Mt 26,14-25

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!" Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".

Suy niệm
Ngày cuối cùng bên cạnh các môn đệ, có rất nhiều những tình cảm vui buồn lẫn lộn, có rất nhiều những phân vân lo lắng, có rất nhiều những ưu tư hoạch định… Nói chung là những thao thức của Chúa Giêsu. Nhưng thao thức làm cho Chúa đau xé con tim nhân tính của Ngài chính là: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Câu nói này làm cho “các môn đệ buồn rầu quá sức”. Quả thật đây là chuyện động trời. Các môn đệ không thể ngờ một người cùng chia sẻ buồn vui với Thầy, với anh em trong suốt 3 năm trời lại có thể đối xử tệ bạc với Thầy như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đau đớn xác nhận: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).
Đó không phải chỉ là câu chuyện xảy ra cho một mình Giuđa cách đây hơn 2000 năm, mà nỗi đau của Chúa vẫn còn âm ỉ, trái tim Chúa vẫn còn thao thức cho đến tận bây giờ, khi có những người, trong đó có chính bản thân tôi vẫn còn những lần phản bội Chúa. Mức độ không đến nỗi như Giuđa, nhưng ở với Chúa bao lâu nay tôi vẫn ngấm ngầm ý đồ phản bội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nhiều khi đã thực sự phản bội Chúa khi không đi theo đường lối Chúa. Là con cái Chúa nhưng tôi đã không sống đúng với tư cách một người con cái Chúa. Là một gia trưởng, hiền mẫu nhưng tôi sống chưa đúng với một người chồng, người cha, người vợ, người mẹ…
Hậu quả sẽ thật tệ hại nếu tôi không nghe lời nhắc nhở của Chúa, của Hội thánh và của những người xung quanh để quay trở về hiệp thông với Chúa. Có lẽ Chúa cũng sẽ nói với tôi và những ai trong những lần sai lỗi mà vẫn còn cố chấp: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.
Lạy Chúa, mùa Chay là thời gian nhắc nhở con quay trở về với Chúa. Mỗi ngày trong cuộc sống là một lời mời gọi của Chúa. Cả cuộc đời con là một mùa Chay để con ý thức mình phải luôn luôn quay trở về. Xin cho con đừng như Giuđa, không biết trân trọng tình yêu của Chúa, giả bộ làm môn đệ để thực hiện ý đồ riêng của mình. Xin cho con đừng như Giuđa, dù được Chúa nhắc nhở vẫn cố chấp trong tội của mình. Xin cho con quay trở về với Chúa, vì bao lâu còn ý thức sám hối là bấy lâu con còn cơ hội để được sống hạnh phúc với Chúa.




KẺ PHẢN BỘI


Lời Chúa Ga 13, 21-33.36-38


Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy". Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy". Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".

Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".

Suy niệm
 
Qua đoạn Tin mừng hôm nay tôi nhớ lại lời của Tổng Giám Mục Dom Helter Camara: “Không phải chỉ có một định nghĩa về thánh thiện mà đã có cả hàng chục hàng trăm. Thế nhưng có một định nghĩa mà tôi thích nhất: sống thánh thiện là phải chỗi dậy ngay khi bị ngã, chỗi dậy với lòng khiêm nhường và vui mừng. Không phải có ý nói là không bao giờ được sa ngã theo đàng tội lỗi, mà muốn nói lên ý nghĩa là ta có thể nói: ‘Vâng lạy Chúa con đã sa ngã một ngàn lần, và nhờ ơn Chúa giúp con đã chỗi dậy một ngàn lẻ một lần’. Tất cả ý nghĩa là như vậy. Tôi thích suy nghĩ về điều đó”.
Chúa biết rõ tính cách của từng con người một. Cả Giuđa và Phêrô đều là môn đệ của Chúa, hơn thế nữa còn thuộc nhóm 12, những con người luôn gần gũi, luôn được Chúa yêu thương và dạy dỗ. Chúa biết Giuđa hay tính toán nên giao cho ông làm quản lý dù nhiều khi ông cũng hay gian dối, lọc lừa. Chúa biết Phêrô bốc đồng, nhưng được cái có nhiệt tình, nên giao cho ông sứ mạng đứng đầu…
Hơn thế nữa, cả hai đều được Chúa luôn nhắc nhở, cảnh báo về những chuyện xấu của họ. Đối với Giuđa, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp thầy”.Hoặc sau khi trao miếng bánh cho ông, Chúa Giêsu cũng đã nhắc khéo: “Anh làm gì thì làm mau đi!”… Còn Phêrô, sau lời quyết tâm theo Thầy, Chúa Giêsu đã báo trước cho ông ta biết: “Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”…
Cả Giuđa và Phêrô đều là những con người bất xứng, đều đã sa ngã. Nhưng Giuđa thì đã thất vọng tìm đến cái chết, còn Phêrô thì biết chỗi dậy sau cái nhìn của Chúa.
Chúa vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho Giuđa như tin tưởng giao cho ông chức quản lý, trao bánh cho ông… Nghĩa là tình yêu vẫn lên tiếng gọi mời ông, nhưng ông đã không lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu.
Còn Phêrô sau khi chối Thầy: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông… ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).
Điều quan trọng là biết sai để sửa sai, biết mình ngã để chỗi dậy. Giá trị của con người không hệ tại ở bao nhiêu việc đạo đức tốt lành, nhưng hệ tại ở chỗ họ đã nhận ra được bao nhiêu sự sai trái của mình và đã sửa đổi được bấy nhiêu? Một việc tốt tự nhiên sẽ dễ làm hơn là cố gắng mỗi ngày để bỏ đi được một tính xấu. Ví dụ người có lòng thương cảm, tự nhiên thấy người nghèo là muốn giúp đỡ, và giúp đỡ là chuyện quá dễ đối với họ. Nhưng có người thích soi mói, hôm nay biết được chuyện xấu của người khác. Lẽ ra họ sẽ tận dụng để tấn công người anh em mình, nhưng họ đã cố gắng để im lặng… Như vậy giữa việc bố thí và việc thinh lặng, việc nào dễ hơn?


Lạy Chúa xin cho con luôn đặt mình trước tình yêu của Chúa, để thấy dù con có như thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn tin tưởng và yêu thương con. Chúa không muốn con thất vọng, không muốn con phải chết, nhưng muốn con thấy mình còn có những bất toàn, thấy mình yếu đuối tội lỗi, và quan trọng nhất là “muốn con ăn năn sám hối và được sống”.  Xin cho con trỗi dậy mỗi lần sa ngã và mạnh dạn ngã vào lòng Chúa để được Chúa ôm ấp vỗ về. Xin cho con biết quay trở về mỗi khi biết mình đã đi hoang.

ĐỪNG ỒN ÀO.


Lời Chúa Ga 12,1-11


Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu". Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu. 
Suy niệm

Phụng vụ lời Chúa của ngày đầu Tuần Thánh cho chúng ta thấy một sự thinh lặng nội tâm để nhường chỗ cho tình yêu lên tiếng, nhưng không phải ồn ào, mà chỉ là những lời thì thầm của con tim.
Bài ca người tôi tớ của trong bài đọc thứ nhất giới thiệu cho chúng ta hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa không phải bằng vẻ đẹp hùng tráng, nhưng bằng một sự thầm lặng: “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42,2).
Bài Tin Mừng làm rõ nét hơn tình yêu thầm lặng đó qua hình ảnh của cô Maria. Cô đã âm thầm quỳ dưới chân Chúa, “Lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau” (Ga 12,3). Không vồn vã, không nức nở nghẹn ngào, không muốn ghì chặt người mình yêu… mà chỉ muốn dành cho người mình yêu những gì là quan trọng nhất.
Có những người không chấp nhận thái độ của Maria vì họ tiếc của. Họ đánh giá “một cân dầu thơm hảo hạng” này nhiều tiền lắm, làm vậy là phí. Họ xem tiền bạc trọng hơn tình nghĩa.
Có những người không thấy được tình yêu của cô Maria dành cho Chúa Giêsu vì họ còn bận tâm những chuyện khác. Họ lo dò xét Ngài. Họ lo tìm cách làm hại Ngài. Họ muốn giết Ngài. Tệ hại hơn, vì muốn giết Ngài nên giết cả những người liên quan đến Ngài: “Các thượng tế quyết định giết cả anh Lazarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ mà tin vào Đức Giêsu” (Ga 12,11). 
Đây là những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu trên thế gian này, những ngày cuối cùng bên cạnh những người Ngài thương mến. Vì vậy tình cảm của Ngài rất dạt dào. Nhưng chúng ta không hề thấy nó dâng trào, mà chỉ thấy nó thầm lặng trong thương mến. 
Từ đó tôi nhìn lại tình yêu của tôi dành cho Chúa. 
- Nhiều khi tôi lúc tôi hăng hái tham gia mọi hoạt động trong họ đạo, hội đoàn nào cũng tham gia, nhóm nào cũng sinh hoạt… tham gia, sinh hoạt riết muốn mệt mỏi, không còn hơi để thở… 
- Nhưng cũng có những lúc tôi ù lì, thụ động, không tham gia, sinh hoạt gì cả, mà ngồi nhìn xem thử người ta làm thế nào? Một cái nhìn dò xét, một cái soi mói…
- Hoặc có có những lúc chúng ta chán nản người lãnh đạo nên không muốn làm gì hết, kể cả việc giữ đạo một cách cơ bản như đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện…


Lạy Chúa, xin cho con đừng ồn ào, náo động, mà tĩnh lặng trong sâu thẳm cõi lòng để dâng cho Chúa tất cả tình yêu của con. Chính tình yêu sâu lắng, trầm lặng đó sẽ hướng dẫn đời sống đạo của con, để con biết phải làm gì cho vừa lòng Chúa và vừa sức với con. Điều quan trọng là dành cho Chúa tất cả tình yêu và khả năng của con.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

TÌNH MẨU TỬ

TÌNH MẨU TỬ ĐƯỢC HÀN GẮN SAU PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM.
      


  Việc người thân trong gia đình cùng dắt díu nhau ra tòa để tranh chấp đất đai là chuyện bình thường, nhất là khi tranh chấp về nơi ăn chốn ở giữa Cha mẹ và Con trong gia đình. Thông thường khi  đã nhờ đến luật pháp, chắc chắn sẽ có người được, kẻ mất. Và cái mất lớn nhất mà cả hai bên đều chịu, đó là tình cảm gia đình, đó là tình mẩu tử. Thế nhưng có những phiên toà khi kết thúc thì tình mẫu tử cũng đã tìm lại được. Chẳng hạn như phiên toà ngày 28.03.2014 là 01 chuyện hiếm có.

          Một ngày đầu tháng 3/2014, Bà tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh để nhờ bảo vệ quyền lợi trong vụ kiện "tranh chấp quyền sử dụng đất" tại các cấp phúc thẩm. Bà P.T.K cho biết: " Sau khi chồng trước của Bà (là Ba của Anh V.T.N) chết vào năm 1972 thì Bà mới mua phần đất có diện tích khoản 80 cao, toạ lạc tại: ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Và từ đó Bà đã một mình gồng gánh nuôi 04 người con trai khôn lớn. Khi các Anh V.T.N; V.V.T và V.V.P lần lượt lập gia đình, thì Bà đã chia cho các lần mỗi người 10 cao đất ruộng để sinh sống, riêng anh V.V.P thì không nhận đất mà đòi chia 01 đôi trâu.
          Cũng theo Bà sau 01 thời gian dài ra riêng làm ăn đến năm 1998, do làm ăn thất bại Anh V.T.N đã bán hết nhà - đất; ruộng vườn nên không còn chổ ở. Khi đó, vợ chồng anh V.T.N về xin Bà được cất nhà ở tạm trên phần đất còn lại của Bà để ở. Vì tình mẩu tử, Bà đồng ý cho vợ chồng Anh V.T.N cất nhà ở tạm trên đất.
           Toà án sơ thẩm buộc "Tôi phải giao đất cho thằng con bất hiếu đối với phần diện tích đất mà Tôi đã cho nó ở tạm là bất công, Tôi không đồng ý, vì đất này là của Tôi, Tôi chưa bao giờ cho nó".
          Với vụ kiện như thế này người tranh chấp là Mẹ con với nhau nên với nguyên tắc nghề nghiệp, Tôi cần phải tìm hiểu kỷ hơn và tìm cách hàn gắn mối quan hệ gia đình với nhau trước khi đương sự nhất quyết kéo nhau ra Toà án phân xử. Vì vậy, dù yêu cầu của đương sự là muốn tôi, với tư cách luật sư, thúc đẩy vụ kiện cho nhanh (và bảo vệ quyền lợi cho họ) nhưng tôi luôn hòa giải theo cách riêng của mình.
          Trong vụ này, sau khi nghe bà trình bày xong, tôi khuyên bà hãy nói rõ: tại sao trong suốt thời gian qua đã gần 20 năm Bà đã đồng ý để cho gia đình Anh V.T.N sống trên mảnh đất trên và đã an cư trên  phần đất đó với những đứa cháu nội của Bà lần lượt chào đời. Và tại sao bây giờ Bà đòi lại phần đất đó? Và nếu Toà chấp nhận yêu cầu của Bà thì Con cháu của Bà sẽ ở đâu? Bà nghĩ sao khi thấy tình cảnh con cháu Bà phải sống ở đầu đường xó chợ vì không có chổ ở?
          Sau khi được Bà trình bày Tôi thấy nguyên nhân tại sao Bà và con cháu Bà dắt nhau ra toà để chia sẽ tình mẩu tử, là do: Bà buồn vì Con cháu Bà không biết kính trọng tình mẫu tử giữa Mẹ và con; giữa Bà và Cháu.
          Tại tòa sơ thẩm, vợ chồng anh V.T.N cho rằng: “trước đây vào năm 1992, Mẹ anh là Bà P.T.K khi thấy vợ chồng anh không có chổ ở nên có cho vợ chồng anh 01 phần đất (cho miệng). Và vợ chồng anh đã cất nhà; trồng cây ăn trái trên phần đất đó từ năm 1992 cho đến nay.
          Tại cấp sơ thẩm, tòa cho rằng gia đình anh V.T.N đã sinh sống và ổn định trên phần đất này và ngoài ra không còn chổ ở nào khác. Vì vậy, tòa xử không chấp nhận yêu cầu của Bà, buộc Bà  giao cho gia đình anh V.T.N phần đất mà gia đình anh đang sử dụng.
          Dù mong muốn hàn gắn mối quan hệ gia đình của họ nhưng ở góc độ nghề nghiệp, tôi vẫn phải làm tròn phận sự của mình: thu thập đầy đủ chứng cứ - lý lẽ để bảo vệ quyền lợi cho bà, trong đó quan trọng nhất là đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại lời trình bày của vợ chồng Anh V.T.N cho rằng Bà K đã cho vợ chồng anh phần đất đó, nhưng trong suốt thời gian gần 20 năm trên vợ chồng anh đã không có bất kỳ động thái nào để xác nhận quyền sử dụng của mình, như: không đóng thuế đất và không đăng ký quyền sử dụng đất mà việc đăng ký phần đất mà vợ chồng anh V.T.N sử dụng thì do Bà K đăng ký.
          Và trong quá trình thu thập chứng cứ và tìm hiểu nguyên nhân vụ kiện, Tôi thấy ngoài Bà ra thì còn anh V.M.C là người con trai cùng Mẹ khác Cha với anh V.T.N cũng có quyền quyết định trong vụ kiện này. Vì Anh C là người được Bà giao toàn bộ phần đất còn lại sau khi chia cho 03 người con trai lớn của Bà. Ngoài ra, Anh C là người nuôi dưỡng và chăm sóc Bà trong suốt những năm vửa qua, nên Tôi đã trò chuyện và phân tích cho Anh C thấy được Tình và lý trong vụ kiện này.
          Bên cạnh đó, Tôi cũng trò chuyện và tìm hiểu xem gia đình anh V.T.N có bất hiếu với Bà không?
          Nhưng rồi, diễn biến phiên tòa sau đó đã khiến tôi nhẹ nhõm vì không cần phải thực hiện cái “chức phận nghề nghiệp” mà Bà tin tưởng và của Trung tâm trợ giúp pháp lý Tỉnh Tây Ninh giao phó. Vì Anh V.T.N đã làm theo lời hứa là Xin lỗi Bà tại phiên toà phúc thẩm và xin Bà cho 01 miếng đất để gia đình anh sinh sống. Lúc ấy ngồi cạnh Bà Tôi thấy Bà rất vui và xem như hạnh phúc lắm và nói với Anh C rằng cuối cùng nó cũng biết xin lỗi. Thôi cho nó đi.
          Trong nỗ lực hòa giải, tòa đã phân tích lý lẽ của người con đối với Cha mẹ, không phải chỉ thừa Bà đó là người đẻ tôi ra nên là mẹ là đủ. Mà một người con ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng còn phải có trách nhiệm biết kính trọng.
          Toà cũng phân tích cho Bà thấy tình mẫu tử của Mẹ và Con. Nhất là khi người con biết nhận lỗi với mình. cũng như phân tích điều hơn lẽ thiệt. Khi thấy không khí dịu lại, Tòa hỏi Bà : “Bà có đồng ý tha thứ và cho Anh V.T.N phần đất ngang 10m dài 20m để cất nhà ở không?". Lúc đó, Tôi thấy Bà gật đầu đồng ý mà trong lòng vui như mở cờ trong bụng. Đây quả là chuyện hiếm, bởi thông thường chuyện hoà giải hầu như chỉ xảy ra ở giai đoạn sơ thẩm. Đúng như Ông bà nói: "Con cái bỏ cha mẹ, chứ Cha mẹ không bỏ con cái bao giờ"

 
Phiên tòa kết thúc, khi ra về, Anh N lặng lẽ đi sau lưng Bà K, nữa như muốn đi nhanh để bắt kịp Bà nữa như muốn đi chậm lại, nhưng khi ra đến bãi xe thì Anh N đã bước đi thật nhanh lại gần bà và nói: " Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ. Xin Mẹ bỏ lỗi cho con và vợ chồng con";"xin Mẹ cho con cái nhà để ở". Bà K quay lại anh N nói: "Uh, thì ngày mai họ (toà án) xuống đo đất thì tao chỉ cho". Và Bà nói thêm" Mày là con tao mà" nhưng mắt bà đỏ lên
          

Luật sư: Nguyễn Hữu Lộc.

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

ĐGH Gioan Phaolô II Với Giáo Hội CGVN-4

ĐGH Gioan Phaolô II Với Giáo Hội CGVN-3

ĐGH Gioan Phaolô II Với Giáo Hội CGVN-2

ĐGH Gioan Phaolô II Với Giáo Hội CGVN-2

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Chân Dung Các Giám Mục Việt Nam

Chân Dung Các Giám Mục Việt Nam

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

26 Giáo phận Công giáo Việt Nam

26 Giáo phận Công giáo Việt Nam

Cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu 29.mpg

Cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu 29.mpg

ĐỨC KI TÔ NGÀY LÀ AI ?

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 7,40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Đấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavit?" Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu?  Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng:  "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?"  Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.


Sứ điệp: Sự xuất hiện của Chúa Giêsu tạo ra một cuộc tranh chấp quyết liệt giữa những người tin và những kẻ chống đối. Hãy theo Chúa với một lập trường dứt khoát vững vàng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống luôn là một sự chọn lựa, và đức tin lại càng đòi hỏi phải chọn lựa quyết liệt hơn. Con tin vào Chúa là con tin vào tình yêu vô biên của Chúa, và đồng thời đức tin đòi con phải chấp nhận dấn thân trọn vẹn, chấp nhận một sự đổi đời. Chúa ban đức tin cho con không phải để ru ngủ con trong yêu thương, trái lại con biết Chúa đòi con chọn lựa một cách quyết liệt để đi theo Chúa, để sống cho Chúa và anh em. Chúa đến bằng con đường thập tự, và đòi buộc con cũng phải dứt khoát theo Chúa.
Lạy Chúa, theo Chúa như vậy thực sự là khó. Cuộc sống ở đời có bao nhiêu cám dỗ ngọt ngào, bao nhiêu thử thách cam go. Và vì thế con thường theo Chúa nửa vời lấp lửng, con muốn vừa được Chúa vừa được thế gian, vừa theo Chúa vừa sợ hy sinh gian khổ. Rốt cuộc con chỉ chuốc lấy đau khổ vào thân. Cũng chính vì con không dứt khoát chọn đứng về phía Chúa mà sau bao nhiêu năm theo Chúa, con vẫn ì ạch ở nửa đường. Xin Chúa thương tha thứ và nâng đỡ con.
Lạy Chúa, trong đời sống có những lúc con sẽ phải công khai đứng về phía Chúa và tuyên xưng lòng tin một cách chân thành như các vệ binh hay ít nữa là bênh vực Chúa như ông Nicôđêmô. Con sợ không làm đuợc vì con thường sợ bị liên lụy thiệt thòi. Xin Chúa giúp con can đam giữ vững lập trường đã chọn. Chỉ có Chúa là Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con. Xin giữ gìn con trọn đời trung thành với Chúa.

Amen.                          

GIỜ CỦA NGƯỜI CHƯA ĐẾN.

Giờ của Người chưa đến
Lời Chúa: Ga 7, 1-2.10.25-30


Khi ấy, Ðức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do Thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do Thái gần tới, tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Ðấng Kitô? Ông ấy, chúng ta biết ông đến từ đâu rồi; còn Ðấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người đến từ đâu cả.”
Lúc giảng dạy trong Ðền Thờ, Ðức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi đến từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi.” Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Sứ điệp: Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại mầu nhiệm Thiên Chúa chân thật. Chúa muốn mỗi người chúng ta đón nhận và sống theo chân lý ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái nghĩ rằng họ biết Chúa, nhưng thực ra họ biết theo cái nhìn tự nhiên rất nông cạn hời hợt. Hơn nữa thái độ cứng lòng cố chấp đã che lấp tâm hồn họ, không cho họ nhìn ra và đón nhận chân lý mà Chúa mặc khải cho. Họ tự hào biết rõ nguồn gốc lý lịch tầm thường của Chúa, nên họ khẳng định Chúa chẳng phải là Đức Kitô. Nhưng Chúa đã vạch trần cái biết lệch lạc cố chấp ấy để quả quyết rằng Chúa là Thiên Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Chúa đến để dẫn nhân loại về với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Lạy Chúa, con tin rằng chính Chúa đã cho con nhận ra ý nghĩa đích thực của đời người, đã cho con gặp và đạt được sự sung mãn đích thực của cuộc sống là chính Chúa. Xin cho con xác tín mãnh liệt vào Chúa, để niềm tin nơi con không chỉ là theo Chúa cách cầm chừng có mức độ, hay chỉ sống những điều xem ra dễ dãi và cố tình bỏ qua những đòi hỏi của Tin Mừng.
Xin cho con thực sự thuộc về chân lý không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi, trên lý thuyết, nhưng bằng và qua chính cuộc sống. Xin cho đời sống con từ trong tư tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ…, tất cả hòa điệu tự nhiên với chân lý Phúc âm, để con được nên một với sự Thiện chân thật là chính Chúa. Thánh Phaolô qủa quyết: “Tôi sống mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Con ước mong lời ấy trở thành câu tâm niệm sống của con. Xin Chúa giúp con.
Amen.


Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Mùa Chay suy niệm sự trở về

Mùa Chay suy niệm sự trở về

Trong số các mùa của năm phụng vụ thì Mùa Chay luôn gợi lại trong tâm trí chúng ta ấn tượng về điều gì đó dường như là khô khan, sầu buồn: Không có lễ cưới, bàn thờ không trưng hoa, không đọc Halleluia sau Phúc Âm, lại năng ngắm đàng Thánh Giá, ngắm Sự Thương Khó Chúa Giêsu v.v… Tất cả những hình thức ấy tất nhiên phải chứa đựng một ý nghĩa nào đó mà theo tôi chính là để nhắc nhở cho ta sự trở về. Thật vậy ai cũng biết Lễ Tro là khởi đầu của Mùa Chay. Trong Thánh Lễ có lời Chúa nhắc nhở: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành từ bi nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về các tai họa. Biết đâu Người sẽ trở lại mà hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ dâng lên Chúa  là Thiên Chúa các ngươi” (Ge 2, 12 -14).
Tại sao trở về với Chúa lại phải diễn ra trong nước mắt và than van? Lý do bởi vì Thiên Chúa là Đấng Cha, nội tại ở trong ta. Quả thật Thiên Chúa là Cha nhưng vì vô minh nên con người không một ai nhận biết ngoại trừ Đức Kitô: “Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” (Mt 11, 27). Đức Kitô xuống thế mạc khải Đấng Cha có nghĩa là Ngài đã chỉ cho chúng ta một sự thật và sự thật ấy vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết.
Tôn giáo cũng gọi là đạo, tức con đường tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên việc tìm kiếm ấy không phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài nơi thế giới ngoại vật nhưng nó đã sẵn đủ ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp. Đức Kitô đã diễn tả ý này qua dụ ngôn “Người con hoang đàng trở về”. Người con ấy có một người cha giàu có vô lượng và đầy tình thương yêu. Thế nhưng bởi không nhận thức được điều ấy nên người con mới đòi chia gia tài để ra đi tìm kiếm hạnh phúc mà anh ta tưởng rằng sẽ có ở một nơi nào đó. Có mớ tài sản trong tay, người con mặc tình ăn chơi phung phí cho đến khi hết tiền, hết bạc hết cả bạn bè, đói khổ đến nỗi muốn xin cả cám heo để ăn mà người ta cũng không cho. Quá ư đau khổ, người con mới ngộ ra một điều rằng biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật mà ta đây lại phải chết đói” (Lc 15, 17).
Nhận biết khổ là bước đầu cần thiết trong tiến trình tìm kiếm chân lý. Nhận biết khổ cũng có nghĩa là nhận ra sự phù phiếm của thế gian đồng thời không còn có chỗ nào nữa để bám víu nương tựa. Bước thứ hai là nhận biết tội lỗi mình: “Cha ơi, con đã lỗi phạm với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin hãy đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” (Lc 15, 18).
Nhận biết tội và thành tâm hối lỗi đó là ý nghĩa của nước mắt và than van… Mặt khác việc hối lỗi ấy chỉ thành thật khi nào con người nhận thức được nỗi khổ mà mình đang gánh chịu. Nỗi thống khổ thật sự của con người trong mọi thời mọi nơi không phải là vì đói cơm rách áo nhưng là bởi vô minh không nhận biết sự thật. Phật Thích Ca nói: Nỗi khổ bị thiêu đốt ở địa ngục. Nỗi khổ của con lạc đà chở nặng. Nỗi khổ đói khát của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Ngu si không biết lối đi mới thật là khổ” (Kinh Lời Vàng). Khổ vì bị thiêu đốt trong địa ngục, khổ vì đói khát của ngạ quỷ… chưa thực là khổ bởi vì đó chỉ là hậu quả của cái nhân vô minh. Bao lâu còn bị vô minh trói buộc thì còn gây tội mà tội đã gây thì không có cách chi thoát khỏi khổ não. Chính bởi lẽ đó ta thấy vấn đề khổ đau của con người chỉ có thể giải quyết bằng cách diệt trừ cái nhân vô minh ấy đi. Mùa Chay là cơ hội vô cùng quý báu để giúp ta trở về với Đấng ở nơi mình. Trở về chỉ có thể là về với Đấng ở nơi mình. Cũng chính bởi vậy Chúa mới đòi ta cần xé lòng chứ không phải xé áo. Ý nghĩa của việc xé lòng ở đây chính là con đường từ bỏ của Đức Kitô.
I- Con đường từ bỏ
Vô minh hình thành bởi hai cái chấp, một là chấp xác thân là mình, hai là chấp tâm tưởng là mình. Để có thể trở về với Đấng Chúa ở nơi mình thì nhất thiết cần trừ bỏ hai cái chấp ấy đi. Đức Lão Tử nói: “Ta sở dĩ có nỗi lo lớn là vì có thân. Nếu ta không có thân thì chẳng có lo” (Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn – ĐĐK chương 13). Người ta không ai mà không có thân xác nhưng cũng chính vì vậy nên mới khổ. Lý do bởi vì có thân thì phải lo cho nó cái ăn cái mặc. Không ăn thì đói lả bước đi không nổi. Không có áo quần thì không có cái gì che thân, rét mướt  chịu không thấu. Lại nữa có thân thì  có bệnh, có già, có chết, chẳng tránh đi đâu được. Có thân thì phải lo cho thân, điều ấy rất tự nhiên không có chi để nói. Tuy nhiên, cái thật sự làm nên tội ở đây không phải là vì có thân nhưng do chấp xác thân là mình. Chính bởi chấp xác là mình nên mới làm đủ cách để cung phụng cho nó mọi thứ đặc sản cao lương mỹ vị. Mặc cho nó lụa là gấm vóc, làm nhà cao cửa rộng với đầy đủ tiện nghi cho nó. Một khi đã lo như thế thì phải làm sao có thật nhiều tiền, nhiều thế lực để bảo đảm không những cho bản thân mà còn cho con cái cháu chắt, kể cả các… đồng chí của mình nữa!!! Lo thì lo như vậy đấy nhưng rồi vẫn bệnh vẫn già vẫn chết có được gì đâu? Người đời có ngàn vạn nỗi lo, có vẻ như không lo không được nhưng Đức Kitô lại nói: “Vậy nên Ta nói cùng các ngươi, đừng lo lắng về mạng sống mình, phải ăn gì uống gì hoặc về thân thể mình phải mặc gì. Mạng sống há chẳng hơn đồ ăn và thân thể hơn đồ mặc sao?” (Mt 6, 25).
Chúa nói đừng quá ư lo lắng cho thân xác bởi vì có lo đến đâu thì nó cũng phải có ngày tan hoại. Với Chúa thì điều đáng cần lo là lo tìm kiếm Nước Trời, cái không bao giờ hư hoại: “Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho” (Mt 6, 33). Nước Trời cần tìm kiếm ấy, mầu nhiệm thay lại chẳng ở đâu xa mà đã sẵn đủ ngay ở nơi mình, chỉ cần quay về là gặp. Bởi vì Nước Trời là một thực tại tâm linh thế nên mới cần quay về và việc quay về ấy chính là để làm hòa với Đấng ở nơi mình. Có tinh thần làm hòa như thế thì việc ăn chay mới có ý nghĩa. Trái lại thì đáng bị phê phán: “Khi các ngươi ăn chay chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình vì họ nhăn mặt để tỏ vẻ kiêng ăn với với người ta. Quả thật Ta nói cùng các ngươi họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi khi ăn chay hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt hầu không tỏ vẻ kiêng ăn với người ta nhưng chỉ tỏ cho Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” (Mt 6, 16-18).
Bởi Thiên Chúa là Đấng ở nơi ẩn mật tức trong chốn thẳm sâu tâm hồn thế nên cần phá chấp mới có thể vào (ngộ nhập) với Ngài được. Tuy nhiên trong hai cái chấp cần phải phá ấy thì chấp tâm là khó phá hơn cả bởi vì đó chính là ý riêng cái làm cho ta xa cách Thiên Chúa: “Không sự gì cũng không ai có thể làm ta xa cách Thiên Chúa, dù cả loài người hay dù cả các quỷ trong Hỏa Ngục hợp lại. Không một sự gì có thể, chỉ trừ ý riêng thôi. Theo lời Thánh Benado nói gỉa  sử trong loài người khỏi được cái tai vạ này, tức không còn ai theo ý riêng tất sẽ không còn Hỏa Ngục. Nó là kẻ thù phá tiệt mọi nhân đức” (Thánh Alphongse – Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện).
Tại sao ý riêng lại là thứ tai vạ lớn như thế? Xin thưa là vì đó là mưu chước của Sa Tan nó khiến nguyên tổ xưa  kia bị đuổi khỏi Địa Đàng (Paradis) và  con người ngày nay đã quên mất đường về.
II- Đường về Nhà Cha
Nhân loại hôm nay như đang ở bên bờ của sự diệt vong mà nguyên nhân đưa đến cho nó theo Heidegger – triết gia hàng đầu của thế kỷ 20 nói là do đã Lãng Quên Tính Thể (Oublie de L’ETRE). Nói “Tính Thể” là theo triết học còn thần học gọi là Thiên Chúa. Triết học “Quên” Bản Tính còn thần học thì… khai tử Thiên Chúa (Theologie de la mort de Dieu). Quên Thiên Chúa cũng tức là quên mất phẩm tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Một khi đã “ Quên” như thế thì con người mặc nhiên trở thành những đứa con hoang, sống mà không biết  mục đích sống để làm gì. Người có đạo là người có con đường  tâm linh để bước đi nhưng bước đi thế nào được nếu không có Đức Kitô dẫn đường chỉ lối: “Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Câu này là một mệnh đề hoàn chỉnh gồm có hai vế không thể tách rời. Tách đi một vế thì vế còn lại trở nên vô nghĩa. Thần học ngày nay với chủ trương Qui Kitô (Christocentrisme) đã tách đi vế hai để chỉ còn vế một “Ta là đường là sự thật và là sự sống”. Tách như thế thì  đường tâm linh đương nhiên trở thành… đường cụt, tức đã mất đường về với Cha.
Con đường trở về ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, một là trở về với Đấng Cha nội tại tức Bản Tính Con Thiên Chúa nơi mình, Để có thể theo được nghĩa này thì chỉ có những bậc đại triệt đại ngộ như tiên tri Isaia thời Cựu hoặc Thánh Antôn ẩn tu, Thánh Phanxicô Assisi thời Tân Ước mới có thể thực hiện. Còn với tuyệt đại đa số thì đường về ấy là về Quê Thật là Nước Thiên Đàng đời sau. Mặc dầu vậy, cả hai con đường này đều rất chân thật đồng thời đòi hỏi mỗi người cần thực hiện đầy đủ cả ba nhân đức Tin Cậy Mến. Tin ở đây trước hết là tin vào lượng từ bi nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa Đấng quả thật là Cha mình. Đấng Cha ấy như trong dụ ngôn là người cha đầy lòng thương xót “Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha. Khi còn ở đàng xa cha thấy nó thì động lòng thương xót chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn riết” (Lc 15, 20).
Mùa Chay còn gọi là Mùa Đại Phúc với hàm ý đây là quãng thời gian vô cùng quý báu dành cho mỗi người, bất kể người ấy đã xa lìa Chúa bao lâu, phạm những tội lỗi gớm ghiếc nào… Hơn nữa tội càng nhiều bao nhiêu lại càng được thứ tha nhiều bấy nhiêu nếu thực lòng sám hối ăn năn. Bởi lẽ chính những con người ấy mới là đối tượng của lòng xót thương “Bởi Con Người  đến để cứu vớt kẻ bị hư mất” (Mt 18, 11).
Trà Cổ, Mùa Chay Thánh 2014
Phùng Văn Hóa

THÂN PHẬN

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 
Lời Chúa: Ga 7; 1-2,10,25-30
Tin Mừng (Ga 7, 1-2. 10. 25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có một số người ở Giêrusalem nói: “Đây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

Những người Do thái không tin Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng hôm nay đã:
- Nhận xét Chúa Giêsu theo cái nhìn của họ.
- Hiểu Ngài theo cách hiểu của họ.
- Phê phán Ngài theo thành kiến của họ.
Chính vì nghĩ về Chúa Giêsu theo cái nhìn và cách nghĩ như thế, họ đã hiểu sai hoàn toàn về Ngài. Từ cái hiểu sai như thế, họ ngày càng xa cách Ngài và không tin vào Ngài.
Với những lý luận của phàm nhân, họ không thể nào hiểu và tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa lại mang thân phận của một con người. Dù họ hiểu biết như thế nào thì Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu cho biết Ngài là Thiên Chúa thật.
Trong đời sống đức tin của mình, nếu tôi cũng chỉ hiểu biết về Chúa theo cách hiểu của tôi, nếu tôi cũng chỉ nghĩ về Ngài theo cách nghĩ của tôi..thì có lẽ, tôi vẫn chưa tín thác trọn vẹn vào Chúa. Đức tin của tôi dễ bị chao đảo lạc đường.
Trong cuộc sống thường ngày, nếu tôi cũng nhận xét tha nhân theo cái nhìn của tôi, nếu tôi cũng hiểu tha nhân theo cách hiểu của tôi.. thì nhiều khi tôi hiểu sai về người khác.
Những khi sống như vậy là lúc tôi xa cách Chúa và bất hòa với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con chưa bao giờ biết được Chúa Cha, nhưng chính Chúa đã mạc khải cho chúng con bằng những dụ ngôn, qua cuộc sống, và qua cái chết cùng sự phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con nhìn ngắm chính Chúa để xác quyết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu Chúa nhiều hơn để con yêu mến Chúa nhiều hơn. Xin cho con hiểu tha nhân nhiều hơn để con thông cảm và yêu mến tha nhân như Chúa dạy. Amen.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Hằng ngày Chúa vẫn đến viếng thăm chúng con không chỉ một lần trong thánh lễ, nhưng trong từng giây, từng phút, Chúa vẫn ở bên chúng con. Chúa có mặt trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời chúng con. Chúng con xin tri ân và cảm tạ tình yêu cao vời của Chúa. Xin giúp chúng con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa để biết sống dưới cái nhìn của Chúa.
Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã đau khổ nhiều về sự mù quáng của các người biệt phái. Bởi mù quáng nên họ đã rắp tâm tìm cớ để loại trừ Chúa. Họ mù vì thiên kiến hẹp hòi. Họ mù vì kiêu căng tự mãn. Họ mù vì những ghen ghét giận hờn. Bởi mù loà mà họ đã giết Con Một Thiên Chúa Đấng đã được sai đến cứu độ trần gian.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi sự mù quáng để chúng con có thể nhận ra Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin đừng để những đam mê thấp hèn khiến chúng con mờ tối con mắt đến mê muội và làm những điều xấu xa xúc phạm đến Chúa. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn để có thể nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nhờ đó chúng con biết đối xử với nhau trong yêu thương chân thành. Amen.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Những Bài Thánh Ca Dành Cho Mùa Chay - LM. Nguyễn Sang | Giờ Thứ 9

Những Bài Thánh Ca Dành Cho Mùa Chay - LM. Nguyễn Sang | Giờ Thứ 9

Tuyển Chọn Những Ca Khúc Nhạc ĐẠO hay nhất

Mẹ Maria Mặc Khải Đường Về Thiên Đàng

Linh Mục Tiến Linh - "MỘT THỜI ĐI HOANG"

VÂNG PHỤC

Thứ Tư Tuần 4 Mùa Chay. Lời Chúa: Ga 5,17-30
Nhưng Đức Giê-su đáp lại : "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng : "Thật, tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. Thật, tôi bảo thật các ông : ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.
Thật, tôi bảo thật các ông : giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa ; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó : ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống ; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.
Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.
Suy niệmMột thiếu niên đi xem đấu bóng với Cha sở, nói với Cha rằng con không thích vâng phục. Và còn mạnh dạn bảo: “Thưa Cha, con rất ghét ai bảo thế này, thế nọ. Không có tự do trong việc này”.
Cha sở không nói một lới. Liền sau đó, họ gặp một biển chỉ đường hướng đi đến sân chơi. Cha sở làm như không thấy, cậu bé la lên: “Chúng ta đi sai đường! Thưa Cha, Cha không thấy dấu chỉ đường kia sao!”.
Cha sở bình tĩnh trả lời: “Cha thấy chứ, nhưng Cha nghĩ đường này xem ra tốt hơn, và Cha ghét bị ai chỉ bảo đi đường này, đường kia bởi một biển chỉ đường cũ kĩ. Nó không cho Cha tự do hành động”.
Cậu bé nhận ra bài học, và họ vòng trở lại đi vào hướng sân chơi.
Con người cần có lề luật để uốn nắn. Bởi lẽ, con người dễ nuông chiều bản thân, dễ hành động theo ý thích, và không muốn đi theo một kỷ luật nào. Nhưng xã hội cần phải có quy định để con người biết tôn trọng lẫn nhau, biết nhường nhịn lẫn nhau. Một xã hội không có kỷ luật sẽ rối loạn. Một gia đình không có kỷ cương sẽ tan nát. Nhờ luật lể mà xã hội, gia đình mới sống hòa thuận với nhau.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, con người chỉ có tự do đích thực khi làm theo mệnh lệnh Chúa. Không làm theo mệnh lệnh Chúa là ta đang bị lệ thuộc bởi đam mê, bởi xác thịt, bởi ma quỷ . . .Chúa Giêsu, Ngài cũng tỏ ra là một người rất tự do vì Ngài không bị ràng buộc vào những tập tục ngày sabát. Nhưng sự tự do này xuất phát tự một sự lệ thuộc: “Ta không thể tự mình làm điều gì…vì ta không tìm ý riêng Ta mà tìm ý Đấng đã sai Ta”. Chúa Giê-su luôn vâng phục theo thánh ý Chúa Cha, Ngài luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa Cha trọn đời.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức rằng: Khi con người lệ thuộc hoàn toàn vào ý Thiên Chúa thì con người sẽ tự do, ngược lại khi con người không theo ý Thiên Chúa thì con người sẽ thành nô lệ cho rất nhiều thứ khác. Xin đừng để chúng ta xa lìa Chúa bởi ràng buộc bởi những đam mê trần đời. Amen
Cầu nguyệnLạy Chúa Giê su , Chúa đã sống một đời tìm kiếm và vâng phục Chúa Cha. Chính điều đó Chúa đã luôn làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa luôn tận tuỵ trong công việc và trung tín với bổn phận của mình.
Lạy Chúa, vì yêu thương nên Chúa đã tự nguyện đi vào con đường đau khổ để cứu độ trần gian. Tình yêu của Chúa tựa như nhịp đập của con tim không bao giờ ngưng nghỉ,. Chúa luôn làm tất cả để chúng con được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Chúa.

Hôm nay chúng con cũng xin Chúa chúc lành cho cha mẹ chúng con. Vì cả một đời luôn vất vả hy sinh cho chúng con. Bất kể mưa nắng. Đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn và ngược xuôi nơi bến chợ, để bòn nhặt từng chén cơm, từng quyển vở cho chúng con ăn học. Xin giúp chúng con biết trả ơn cha mẹ bằng đời sống ngoan hiền, chăm học và luôn chu toàn bổn phận hằng ngày của mình. Xin Chúa cũng cất đi những gánh nặng của bao cha mẹ đang đau khổ vì tội lỗi của con cái gây nên. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chồng chất thêm những gánh nặng trên cha mẹ, nhưng biết chia sẻ những mệt nhọc của cha mẹ trong khả năng và sức lực của mình. Amen

LÀM CHỨNG

Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 5,31-47



Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do Thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Đấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Đấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống. 

Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?"

Để chứng minh mình là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã luôn thi hành Thánh Ý Cha. Đối với người Kitô hữu cũng vậy, thực thi Thánh Ý Chúa là cách thế biểu lộ chúng ta là con cái Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa được mọi nguời khen Chúa nói hay. Lúc Chúa làm phép lạ, mọi người trầm trồ thán phục Chúa. Nhưng dù nói gì, Chúa không bao giờ nói theo ý riêng mình, mà chỉ nói lời Tin Mừng phục vụ Ý Cha. Làm gì, Chúa cũng làm để tôn vinh Danh Cha. Ý Chúa Cha là kim chỉ nam cho cuộc đời của Chúa trên trần gian này. Xin Chúa cho con luôn biết nói sao cho phù hợp với Ý Chúa, làm gì cũng làm sao cho vừa lòng Chúa.

Chính nhờ sự tận hiến ý riêng để thi hành Ý Cha mà cuộc đời Chúa trở nên một hiến tế đẹp lòng Cha, có sức cứu độ toàn thế giới, trong đó có mỗi người chúng con. Chính nhờ cuộc đời tận hiến đó, tận hiến đến chết trên Thánh giá, mà Chúa được Cha siêu thăng phục sinh và cho vinh hiển bên Cha. Nhờ thấy vậy, các Tông đồ nhận ra Chúa thật là Chúa và họ đã dám sống chết theo Chúa.

Lạy Chúa, con biết mỗi Kitô hữu chúng con dù có nói hay, dù có làm giỏi, mà không nói và làm vì Danh Chúa và theo Ý Chúa, thì cũng tựa thùng rỗng kêu to, phèng la inh ỏi. Khi đó, đời con chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa cũng như chẳng đủ sức thuyết phục đươc ai tin theo Chúa.

Xin Chúa cho con luôn biết nhìn lên Thanh giá Chúa, nơi Chúa biểu lộ tột đỉnh lòng vâng phục Ý Cha, để nhờ đó con thêm can đảm vâng theo Ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con luôn nhớ tới sự phục sinh của Chúa để thêm dứt khoát và tin tưởng chọn lựa Ý Chúa hơn chọn ý riêng mình. Amen.