Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

KỲ ÁN OAN TRONG LỊCH SỬ TỐ TỤNG VIỆT NAM

Kỳ án oan trong lịch sử tố tụng
Bài 1: Còn một "ông Chấn" ở Bình Thuận?
Lao Động  - 22/11/2013 06:39
          Bài 1: Còn một "ông Chấn" ở Bình Thuận? Đúng vào thời khắc, Chánh án TAND Tối cao trả lời chất vấn án “oan sai” tại nghị trường Quốc hội (sáng 21.11), hai người đàn ông từ phương nam đã có mặt ở Hà Nội để kêu oan cho tù nhân Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội giết người. Tình tiết của vụ án này liệu có lặp lại “kịch bản” như vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn?
          Người tù không nhận được lời xin lỗi
          6 năm trước - ngày 20.1.2006, Cơ quan Tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi đại gia đình gồm 3 thế hệ (9 người), bị kết án oan trong vụ án “vườn điều”. Người thứ 9 trong gia đình đã không nhận được lời xin lỗi, đó chính là Huỳnh Văn Nén, đang thụ án chung thân vì tội giết người trong vụ án khác.
          Chúng tôi xin ngược lại vụ án đã xảy ra 20 năm trước, mà đại gia đình đã bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đẩy vào vòng lao lý, oan ức hơn cả ông Chấn “Bắc Giang”.
          Tháng 5.1993, thi thể bà Dương Thị Mỹ được phát hiện tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng (thôn 2, thị trấn Tân Minh, Thuận Hải). Ròng rã suốt 5 năm, Công an tỉnh Bình Thuận đã không tìm ra thủ phạm giết người.
          Đêm 23.4.1998, bà Lê Thị Bông cũng ở thôn 2 (Tân Minh) bị giết. Gần một tháng sau, ngày 17.5, Huỳnh Văn Nén bị bắt, tình nghi là thủ phạm giết bà Bông.
          Chứng cứ để buộc tội Huỳnh Văn Nén chỉ là lời nhận tội của Huỳnh Văn Nén, không có một bằng chứng nào khác, khẳng định Nén đã giết người, cướp của (chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K đeo trên tay bà Bông).
          Tại hiện trường, con gái nạn nhân thấy một con dao nằm phía trong hàng rào, giữa nhà bà Bông và chùa Thạch Long, một con dao nằm phía ngoài hàng rào. Khi công an khám nghiệm hiện trường thì con dao nằm ngoài hàng rào đã bị mất. 
          Chiếc nhẫn một chỉ vàng đã bị Huỳnh Văn Nén làm mất. Tuy nhiên, nơi bà Bông bị giết, hiên nhà có dấu chân phải, kích thước 23 x 9cm, gót rộng 4,5cm. Trên ghế salông có tới 3 dấu chân, có kích thước 22 x 8,5cm, gót rộng 4cm, đoạn dây dù siết cổ bà Bông được tìm thấy cách con đường mòn mà Huỳnh Văn Nén khai đã chạy nhưng hơn 100m.
          Kết luận điều tra có ngần ấy chứng cứ để buộc tội kẻ giết người chính là Huỳnh Văn Nén. Tiếc rằng, con dao ở hiện trường có dấu vân tay thủ phạm lại không được Công an Bình Thuận thể hiện trong kết luận? Ba dấu chân trên salông không thể hiện rõ là chân phải hay trái.
          Luật sư Trần Vũ Hải nói rằng, chúng ta không được phép suy luận, nhưng dấu chân với hai con dao ở hiện trường thì cho thấy, có cơ sở để nghi rằng có hai người tham gia giết bà Bông chứ không phải một người.
          Hai chứng cứ quan trọng nhất của vụ án (dấu vân tay và dấu chân) thì đã không được Công an Bình Thuận chứng minh đó là dấu chân, vân tay của Huỳnh Văn Nén. Bản án cuối cùng đã kết tội, Huỳnh Văn Nén là thủ phạm giết bà Bông với án tù chung thân.
         
          Vụ án “vườn điều” đang lâm vào bế tắc, nay thủ phạm giết bà Bông đã rõ. Nạn nhân Dương Thị Mỹ bị giết ở vườn điều lại rất gần nhà Huỳnh Văn Nén. Vụ án “vườn điều” được phục hồi điều tra vì Huỳnh Văn Nén lại khai nhận đã cùng cả nhà vợ (8 người) giết bà Mỹ vì bà Mỹ cặp bồ với anh rể của vợ Nén. Thế là, Công an tỉnh Bình Thuận, bỗng chốc phá được hai vụ trọng án.
          Từ lời nhận tội của Nén, 9 người gồm 3 thế hệ trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ Nén) dính vào vòng lao lý. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, kể cả khi thụ án trong tù, các bị cáo vẫn một mực kêu oan.
          Với những chứng cứ của 3 luật sư nhận bào chữa cho 9 bị cáo, chứng minh cả 9 bị cáo ngoại phạm trong vụ án “vườn điều”, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an vào cuộc, có kết luận “giải oan” cho mẹ con bà Lâm, trong đó có cả Huỳnh Văn Nén, nhưng vì “dính” án chung thân vụ “bà Bông”, nên Nén vẫn phải ngồi tù.
          Tại buổi công khai xin lỗi gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (ngày 20.1.2006) do 3 cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức - mặc dù giận con rể Huỳnh Văn Nén đến “trào cả máu”, vì tội bỗng dưng nhận tội để cả đại gia đình phải đi tù oan, bà Lâm vẫn yêu cầu các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận vào trại giam xin lỗi Huỳnh Văn Nén. Bà Lâm nói: “Nó (Nén) bị dọa tử hình, đánh đau quá, nên mới khai bậy để cả gia đình phải đi tù oan”.
          Yêu cầu của bà Lâm là hoàn toàn chính đáng, nhưng rất tiếc lời yêu cầu đó đã không được thực hiện. Bởi, ai lại - các cơ quan tố tụng lại phải đi xin lỗi phạm nhân án chung thân. “Oan” vụ án “vườn điều”, chắc gì đã “oan” vụ “bà Bông”.
          Lương tâm tù nhân cũng cắn rứt
          Nguyễn Phúc Thành (trú tại khu phố 2, thị trấn Tân Minh), khi đang thụ án 18 tháng tù, vì tội gây rối trật tự công cộng, hay tin Huỳnh Văn Nén có thể lĩnh án tù vì tội giết bà Bông. Phúc Thành đã tâm sự với cán bộ quản giáo và giám thị trại giam, rằng thủ phạm giết bà Bông không phải là Huỳnh Văn Nén mà là Nguyễn ThọHồ Văn Việt (cùng trú tại địa phương). Đêm bà Bông bị giết, Thọ và Việt có kể cho Thành nghe, kể cả việc rủ đi bán chiếc nhẫn một chỉ vàng đã cướp được (Thành là đại ca của Việt và Thọ).
          Thành nói rõ cả tiệm vàng mà Thọ và Việt đã đến bán. Được sự động viên của giám thị trại giam, ngày 2.9.2000, Nguyễn Phúc Thành đã viết đơn tố cáo khẩn cấp gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, kể chi tiết vụ giết bà Bông: Được xem chiếc nhẫn cướp được, nhìn thấy ống quần Thọ còn dính máu... Ngay sau khi bà Bông bị giết, Nguyễn Thọ đã trốn khỏi địa phương, nay vẫn chưa rõ tung tích, Hồ Văn Việt đã chết vì HIV.
          Ngày 20.11.2013, một lần nữa Nguyễn Phúc Thành lại cầm bút viết đơn kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Lương tâm tù nhân cũng bị cắn rứt vì một người không giết người lại bị kết án chung thân.
          Mẹ của Nguyễn Phúc Thành - bà Nguyễn Thị Lụa - kể lại rằng, khi vào thăm con tại trại cải tạo Sông Cái, tôi đã ngất xỉu khi nghe con tôi nói, kẻ giết bà Bông không phải là Nén mà là Thọ và Việt. Tôi nói sao sự việc quan trọng thế bây giờ mới bảo, nếu nói sai mà đang ở trong tù thì càng nặng tội. Thành bảo vì là bạn thân của Thọ và Việt. Thành tin là khi công an điều tra không phải anh Nén giết người thì sẽ thả, nay nghe anh Nén bị tuyên tử hình nên day dứt.
          Trưởng giám thị trại giam Sông Cái - trung tá Phạm Văn Phóng xác nhận đã fax về Cục 26 - Cục Quản lý trại giam - đơn tố cáo khẩn cấp của Nguyễn Phúc Thành.
          Ròng rã kêu oan
          Chiều đầu đông, ngày 21.11, chúng tôi ngồi với hai người đàn ông lặn lội từ phương nam, ôm đơn ra Hà Nội kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Một là ông Huỳnh Văn Truyện - cha của Nén - năm nay đã 89 tuổi. Ông ở tận Cà Mau, cứ làm thuê, làm mướn, có được ít tiền lại lên thành phố, gõ cửa các cơ quan pháp luật để kêu oan cho con. Người đàn ông thứ 2, đó là ông Nguyễn Thận - nguyên Chủ tịch thị trấn Tân Minh. 
          Hơn chục năm nay, ông chủ tịch thị trấn vẫn miệt mài viết đơn kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Ông Thận cho chúng tôi xem, bản báo cáo về việc đơn thư tố cáo hành vi giết người, cướp của do công dân chuyển đến. Bản báo cáo ký ngày 29.9.2000 có đóng dấu đỏ, được gửi đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận về lá đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành.
          Bà Nguyễn Thị Lụa (mẹ Thành) đã trực tiếp gặp chủ tịch thị trấn báo cáo bằng miệng và gửi lá đơn của Thành - nhờ mẹ chuyển.
          Mười ba năm có lẻ, ông chủ tịch thị trấn, nay là Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện Hàm Tân cùng người cha già đã gần đất xa trời của phạm nhân Huỳnh Văn Nén vẫn kiên trì đi gõ cửa các cơ quan chức năng, kêu oan cho Nén. Ông Thận nói với chúng tôi rằng, không làm thì day dứt lương tâm cả đời.
          Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, lá đơn tố cáo trực tiếp của Nguyễn Phúc Thành là tình tiết mới, được tố cáo từ năm 2000, được gửi đến các cơ quan như Viện Kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC, Bộ Công an nhưng 13 năm qua không một cơ quan nào xem xét, làm rõ nội dung tố cáo của Nguyễn Phúc Thành. Nay, cần sớm truy tìm được Nguyễn Thọ (Việt đã chết) để làm rõ Huỳnh Văn Nén có giết bà Bông hay không? 
          Ông Huỳnh Văn Truyện nước mắt chảy dài: “Tôi nghèo, đâu có tiền để đi từ Cà Mau lên tận Đồng Nai thăm con, mỗi lần gặp tôi nói con cứ an tâm cải tạo, cha còn sống còn kêu oan cho con”. Ông mếu máo nói với chúng tôi: Nào có hay kháng cáo là gì đâu, khi nghe người ta chỉ, đi đến nơi này lại chỉ nơi kia, họ bảo thằng Nén mới được viết đơn kháng cáo, con tôi lại ở trong tù. Khi nghe vụ ông Chấn bị oan, giống hệt chuyện con tôi, nên tôi cố ra Hà Nội một lần, nếu có nhắm mắt xuôi tay cùng đã... làm hết vì con.

Kỳ án oan trong lịch sử tố tụng:
Bài 2 - Cánh cửa công lý “khép lại” một số phận

          Để có lộ phí kêu oan cho con, ông Huỳnh Văn Truyện - cha của tù nhân Huỳnh Văn Nén, chịu án chung thân - đã phải cầm cố hơn 11.000m2 để lấy 20 triệu đồng. “Oan” con chưa được giải, số tiền đã cạn kiệt. Lộ phí ra Hà Nội lần thứ hai phải cậy nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Án oan của ông Chấn “Bắc Giang” đã tiếp cho người cha già niềm hy vọng, dù rất mong manh...

          Chứng cứ yếu vẫn kết tội
          Tin con trai Huỳnh Văn Nén cùng đại gia đình vợ được minh oan trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (thôn 2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận), khiến vợ chồng ông Huỳnh Văn Truyện nuôi tiếp hy vọng, rằng con mình không giết bà Lê Thị Bông (trú thôn 2, thị trấn Tân Minh) như tòa đã kết tội. 5 năm công an Bình Thuận không tìm được thủ phạm giết bà Mỹ (xảy ra năm 1993), đành đình chỉ điều tra. Khi xảy ra vụ án giết bà Bông (năm 1998), công an bắt Huỳnh Văn Nén. Nghi can này nằm trong diện nghi vấn của công an, bởi có tính ăn trộm vặt do nghiện rượu mà ra... Người dân ở thị trấn này, ai cũng biết Nén có vấn đề về tâm thần, nên những “hậu quả” mà Nén gây ra, người “bị hại” đều không đặt vấn đề Nén phải bồi thường (theo bản án sơ thẩm số 96 ngày 31.8.2000 của TAND tỉnh Bình Thuận).
          Khi bà Bông bị giết, người nhà nạn nhân cho biết mất chiếc nhẫn vàng đeo trên tay, trị giá một chỉ vàng 24K. Thế là Huỳnh Văn Nén bị công an triệu tập. Nén không chỉ khai nhận là giết bà Bông mà còn “tố” thêm rằng, đại gia đình nhà vợ (9 người) giết bà Mỹ vì ghen tuông. Vụ án giết bà Mỹ được phục hồi. Ba cháu bé chưa đến tuổi vị thành niên cũng bị khởi tố. Hai lần Tòa phúc thẩm đều hủy án sơ thẩm mà TAND tỉnh Bình Thuận đã kết tội đại gia đình này. Tòa phúc thẩm kiến nghị Bộ Công an điều tra lại vụ án, vì không thể cứ “xét đi, xử lại” với những chứng cứ không đủ cơ sở để buộc tội các bị cáo. Đại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm được minh oan.
          Huỳnh Văn Nén không giết bà Mỹ, nhưng vẫn nhận tội như thật. Vậy, Nén có giết bà Bông? Người dân thị trấn Tân Minh đâm nghi ngờ bản án đã kết tội Nén án tù chung thân. Họ không biết chứng cứ “lỏng lẻo” trong kết luận điều tra như phân tích của luật sư (chúng tôi đã đề cập bài báo “Còn một “ông Chấn” ở Bình Thuận”), nhưng họ không tin rằng kẻ nghiện rượu “trói con gà không chặt”, trong khi bà Bông là người to khỏe. Với kết luận giám định tử thi thì Nén không đủ sức để giết bà Bông.
          Điều bất ngờ, hai con gái của bà Bông đã viết đơn gửi Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, truy tìm thủ phạm đã giết mẹ mình và đề nghị minh oan cho Huỳnh Văn Nén. Niềm tin Nén không là thủ phạm càng được “củng cố” khi Nguyễn Phúc Thành - viết đơn tố cáo khẩn cấp, nêu đích danh hai thủ phạm đã giết bà Bông. Khi Công an tỉnh đưa Nén về Tân Minh dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và đông đảo bà con, khi Nén được yêu cầu thực hiện lại hành vi giết người, Nén nói: “Em biết gì đâu”. Tại phiên tòa phúc thẩm vụ giết bà Mỹ, Huỳnh Văn Nén kêu oan vì bị ép cung, dùng nhục hình và được điều tra viên Cao Văn Hùng hứa hẹn được thoát chết, nên đã khai nhận giết bà Bông và bịa ra chuyện cùng đại gia đình vợ giết bà Mỹ. Vì thời gian này, gia đình bà Nguyễn Thị Lâm vẫn chưa được minh oan, lời khai của Nén không được các cơ quan tố tụng xem xét (điều tra viên Cao Văn Hùng trực tiếp điều tra vụ giết bà Bông và bà Mỹ).
          Luật sư Trần Vũ Hải cho hay, vụ án Huỳnh Văn Nén có nhiều tình tiết giống vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Vụ ông Chấn thì thủ phạm ra đầu thú. Vụ giết bà Mỹ - nay đã tròn 20 năm, Công an Bình Thuận vẫn chưa tìm được thủ phạm. Còn vụ giết bà Bông, đối tượng nằm trong diện tình nghi mà Nguyễn Phúc Thành đã viết đơn tố cáo-lại không được cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận làm rõ. Vì sao lại không xác minh “đến nơi, đến chốn” nguồn thông tin với những chứng cứ có cơ sở do nhân dân cung cấp? Việc điều tra viên Cao Văn Hùng đã được khen thưởng vì đã có thành tích phá hai vụ trọng án “giết bà Mỹ và bà Bông”, nay lại được giao để xác minh lời tố cáo của Nguyễn Phúc Thành - liệu có đảm bảo tính khách quan - có khác gì bắt điều tra viên Cao Văn Hùng “cầm dao tay phải, chặt tay trái của mình”. Trong lá đơn ký ngày 20.11.2013, Nguyễn Phúc Thành viết: Cán bộ Cao Văn Hùng có đến làm việc, nói tôi tố cáo sai, nên rút đơn lại, kẻo phải đi tù lâu hơn. Tôi nói, nếu cán bộ nói tôi tố cáo sai, cán bộ cho tôi gặp nhân chứng... cán bộ không đồng ý và quát tôi “mày muốn chết, tao cho mày chết”!
          Phận “con kiến, củ khoai”
          Lần thứ hai về Hà Nội kêu oan cho con, ông Huỳnh Văn Truyện mếu máo, kể cho chúng tôi nghe chặng đường đi gõ cửa các cơ quan pháp luật, nhưng không “cánh cửa” nào hé mở để ông và con trai có cơ hội viết đơn kháng cáo: “Tôi không hiểu vì sao, Nén lại từ chối luật sư mà gia đình mời, chỉ đồng ý luật sư do tòa chỉ định. Được báo chí tư vấn về tình tiết mới xuất hiện (đơn của anh Thành), còn 6 ngày nữa tòa mới xét xử, tôi đã gửi đơn nhưng tòa không tạm đình hoãn để điều tra, xem xét... vẫn tuyên án với một bản án mà cả đời con tôi phải ở trong tù.
          Giọng ông nghẹn lại: Ngày 15.9.2000 là thời hạn cuối cùng để con tôi làm đơn kháng án. Tôi đến tòa án Bình Thuận hỏi con tôi đã viết đơn kháng án chưa thì được trả lời là chưa. Tôi vội đến tìm bà luật sư Nguyễn Ngọc Ký - do tòa chỉ định biện hộ - trình bày, nhờ luật sư vào trại giam giải thích cho Nén viết kháng cáo, nhưng luật sư từ chối, nói án tù chung thân là phù hợp, không nên làm đơn nữa. Tôi lại chạy vào trại giam xin gặp giám thị trại để trao đổi việc viết đơn kháng án, vì con tôi bị tâm thần nhẹ, không được học hành, không hiểu pháp luật. Tôi được giải thích rằng, sở dĩ con tôi được án tù chung thân nhờ khai báo thành khẩn, lẽ ra Nén phải chịu án tử hình, không nên làm đơn kháng án nữa. Tôi thực sự bị suy sụp.
Những nội dung “lạ” khiến Huỳnh Văn Nén phải chung thân ngồi song sắt
          (Dân trí) - 3 luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường thuộc Đoàn luật sư Hà Nội bào chữa miễn phí cho Huỳnh Văn Nén đã từng có Đơn kiến nghị phân tích rõ những nội dung có tình tiết “lạ” gửi đến các cấp Tối cao xem xét lại vụ án.
          Theo luận cứ của Luật sư Trần Vũ Hải thì những dấu chân cùng với 2 con dao tại hiện trường cho thấy có đủ cơ sở để nghi rằng vụ án giết nạn nhân Lê Thị Bông (trú thôn 2, thị trấn Tân Minh) có 2 người tham gia, chứ không phải một mình Huỳnh Văn Nén. Tuy nhiên, trong vụ án này, con dao tại hiện trường án mạng xảy ra cùng dấu vân tay hung thủ giết bà Bông lại không được cơ quan điều tra Công an Bình Thuận đưa vào kết luận vụ án.
          Luật sư Hải cho rằng, nếu khẳng định hung thủ gây án là Nén thì cơ quan công an phải chứng minh được 2 chứng cứ quan trọng nhất đó là dấu chân và vân tay là của Nén. 
          Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án này, cả 3 luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường đã nhận định, ngoài lời nhận tội mà Nén khai bị bức cung, nhục hình, vụ án không có nhân chứng hay bằng chứng nào khẳng định Nén giết bà Bông.
          “Nén khai giết bà Bông để cướp 1 chỉ vàng, bỏ vào túi áo, bị rớt do hoảng hốt bỏ chạy theo đường mòn ra hướng suối và Nén cầm theo 1 ổ khoá ngay tại nhà bà Bông để làm phòng vệ, khi chạy đến đường mòn đã quăng ổ khoá vào lùm cỏ gần đó. Cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường đã không thu được các vật chứng trên để đánh giá lời khai Nén có chính xác hay không?” - 3 luật sư đưa ra nghi vấn.
          Theo nhận định của 3 luật sư thì trong vụ án này, những lời khai của Nén về dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra không có khả năng chứng minh lời khai của Nén phù hợp với hiện trường. “Hơn nữa, khi Công an tỉnh Bình Thuận đưa Nén về lại xã Tân Minh để dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và hàng trăm người dân hiếu kỳ, khi Nén được yêu cầu thực hiện lại hành vi giết người thì Nén trả lời ‘em biết gì đâu’ ” - các luật sư khẳng định.
          Ngoài ra, luật sư Hải cũng bày tỏ quan ngại: “Điểm đáng chú ý đến thời điểm này, Nén đã thực hiện bản án tù chung thân được 15 năm 6 tháng. Sau quá trình cải tạo dài, chấp hành án tốt trong tù nhưng Nén lại không chịu ký nhận tội để được xem xét ân giảm án. Như vậy, Nén lại bị tiếp tục giam cho đến khi chết trong trại giam. Đây là một qui định của luật pháp gây phiền hà và khó khăn cho những người tù phạm chỉ vì không chịu ký nhận tội thì sẽ không được tự do sớm hơn tù hạn” - luật sư Hải bày tỏ.
          Với cha của Nén, ông Huỳnh Văn Truyện cho biết: “Trước đây, Nén có vợ, vợ nén cũng đã nhiều lần đi kêu oan khắp nơi cho con tôi. Nhưng mãi mà không được, nay vợ Nén đã ly hôn, để đi xây đắp hạnh phúc mới. Còn tôi, năm này đã gần 90 tuổi rồi, lần này ra Thủ đô đi kêu oan cho Nén chắc là lần cuối, hy vọng được cấp trung ương xem xét cụ thể lại một lần nữa để tìm ra hung thủ thật sự trong vụ án con trai tôi bị xử tù chung thân, bởi những lần gặp, con nó đều nói là bị oan, bảo Cha đi kêu dùm con!”.
          Còn ông Nguyễn Thận (SN 1958) nguyên là Chủ tịch UBND xã Tân Minh giai đoạn 1990-2003 - hiện đang giữ cương vị Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân, Bình Thuận (người cùng đồng hành với ông Truyện đi kêu oan) thì cho hay, trong vụ án bà Lê Thị Bông, toà án đã kết tội chung thân và thực hiện án tù giam đối với Huỳnh Văn Nén gần 16 năm. Tuy nhiên, vào ngày 3/9/2000, UBND xã Tân Minh đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành về tố cáo hung thủ giết bà Bông là 2 đối tượng Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt.
          “Xét thấy sự việc mang tính chất hệ trọng nên từ năm 2000 đến nay đã nhiều lần tôi làm công văn chuyển đơn thư trên cương vị chủ tịch xã cũng như trên tư cách cá nhân gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo qui định pháp luật. Nhưng đã hơn 13 năm nay, chưa hề có một cơ quan nào từ địa phương đến trung ương về địa phương để xác minh, làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Phúc Thành” - ông Thận bức xúc cho biết.
          Cũng theo ông Thận, đối tượng Nguyễn Thọ đã bỏ đi khỏi địa phương đúng lúc bà Bông bị giết chết, chưa quay trở về địa phương lần nào.
          Ông Thận chia sẻ: “Với lương tâm và trách nhiệm người từng có hơn 10 năm làm cán bộ công tác tại địa bàn xảy ra vụ trọng án, đến nay tôi cứ bị ám ảnh việc ai là người đã giết bà Lê Thị Bông. Vì vậy, tôi đã nộp đơn, kiến nghị nhiều lần đến cơ quan liên quan và VKSND Tối cao để được làm rõ hung thủ thật sự đã giết bà Lê Thị Bông vào năm 1998 của thế kỷ trước.”
          Nhà báo Trần Mỹ (hiện đang làm việc tại Báo Người Cao Tuổi), một người theo sát diễn tiến vụ án Huỳnh Văn Nén hơn 10 năm nay đã cho rằng, Huỳnh Văn Nén đã bị truy tố, xét xử oan. Đơn cử như việc cơ quan tố tụng đưa ra điều phi lý như: “ Giết bà Bông để lấy 1 chỉ vàng, nhưng lại không tìm ra chỉ vàng tang vật vụ án. Trong khi đó thì anh Tèo lại nói anh này đi bán chỉ vàng cùng với anh Thọ. Rồi trong quá trình nói chuyện, anh Thọ lại thừa nhận đã giết bà Bông. Hơn nữa, tôi biết rõ con người và thể hình Nén, ‘anh ta còn không thể trói nổi con gà thì làm sao lại mạnh tay siết cổ bà Bông được’”.
          Nhà báo Trần Mỹ cũng cho rằng, hung thủ giết bà Bông là một người khác chứ không phải là Nén. Nên từ năm 2007, ông đã cùng cha đẻ Nén là ông Truyện và ông Thận ra Hà Nội, cùng luật sư Phạm Hồng Hải lên Toà tối cao và VKSND Tối cao kêu oan cho Nén. Và đến đầu tháng 11/2013, sau khi biết tin qua báo Dân trí về trường hợp Nguyễn Thanh Chấn - Bắc Giang được minh oan, cả 3 người chúng tôi cùng một lần nữa ra thủ đô để nộp đơn kêu oan cho Nén, hy vọng lần này sẽ được Toà và Viện Tối cao xem xét thấu đáo vụ án “giết người” đối với bà Bông của bị án tù chung thân Huỳnh Văn Nén”.

Quay trở lại vụ án “vườn điều” cách đây 20 năm. Vào tháng 5/1993, tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng ở thôn 2, Thị trấn Tân Minh, Thuận Hải, người ta đã phát hiện thi thể bà Dương Thị Mỹ bị giết. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc điều tra thủ phạm, nhưng lạ thay suốt thời gian 5 năm trời, cơ quan điều tra đã không tìm thấy thủ phạm gây ra cái chết cho bà Mỹ.

Đến đêm ngày 23/4/1998, bà Lê Thị Bông, một người phụ nữ nạn nhân khác cùng thôn 2 đã bị một đối tượng dùng dây dù xiết cổ chết tại chỗ. Cũng tiếp nhận thông tin tội phạm, Công an tỉnh đã vào cuộc để điều tra. Đến ngày 17/5/1998, cơ quan điều tra đã bắt giữ Huỳnh Văn Nén vì xác định là nghi phạm giết bà Bông.

Hồ sơ của cơ quan tố tụng đã công bố chứng cứ buộc tội Huỳnh Văn Nén không thấy bằng chứng nào thể hiện rõ về hành vi Nén giết bà Bông để cướp một chỉ vàng 24k đeo trên tay, mà chỉ có lời nhận tội của Nén trong việc thực hiện hành vi giết nạn nhân.

Tại hiện trường án mạng xảy ra, con gái bà Bông đã phát hiện một con dao nằm phía trong hàng rào, giữa nhà bà Bông và chùa Thạch Long, một con dao nằm phía ngoài hàng rào. Thời điểm cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường thì con dao nằm ngoài hàng rào đã “mất tích”. Cùng đó, chiếc nhẫn vàng 24k do Nén cướp đi cũng đã bị Nén làm mất.

Đáng ngờ nhất là chi tiết, ngay tại nơi bà Bông bị giết, trên hiên nhà có dấu chân phải, kích thước 23x9cm, rộng 4,5cm. Còn trên ghế salon có tới 3 dấu chân kích thước 22x8,5cm, rộng 4cm. Điều này được các luật sư cho rằng hung thủ phải có 2 người chứ không thể là một mình Nén.
Quốc Đô
Kỳ án oan trong lịch sử tố tụng:
Oan hay không cũng phải làm rõ
          Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ về người có quyền kháng cáo. Vì sao tù nhân Huỳnh Văn Nén - án chung thân về tội giết người - bị “cản trở” để không có đơn kháng cáo? Có đơn, ắt có  phúc thẩm. Phải chăng nỗi lo sợ rồi sẽ bị luật sư “lật kèo” bằng chứng cứ, bị cáo trắng án như vụ “vườn điều”?

          Tình tiết mới, bỏ qua hay giấu nhẹm?
          Tại phiên tòa xét xử vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (vụ vườn điều), bị cáo Huỳnh Văn Nén kêu oan là không giết bà Lê Thị Bông (Nén lĩnh án tù chung thân), tố cáo điều tra viên Cao Văn Hùng ép cung, nhục hình và “mở đường chết” cho Nén, bằng cách khai nhận vụ giết bà Mỹ (suốt 5 năm Công an Bình Thuận không tìm ra thủ phạm, phải đình án), sẽ không phải án tử hình (vụ giết bà Bông), đã không được HĐXX xem xét.
          Huỳnh Văn Nén được cho là người “may mắn” lĩnh án chung thân, thoát án tử hình vì thành thật khai báo, có công giúp công an tìm ra thủ phạm vụ trọng án giết bà Dương Thị Mỹ. Huỳnh Văn Nén bị tâm thần nhẹ, từ lời khai này, không còn chứng cứ nào khác, Công an Bình Thuận vẫn khởi tố 9 người thuộc ba thế hệ của gia đình bà Nguyễn Thị Lâm - mẹ vợ Nén - ngay cả ba đứa trẻ ở tuổi vị thành niên cũng vướng vào vòng lao lý. Sau hơn nửa thập kỷ ngồi tù, đại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm được minh oan, không phải đã giết bà Mỹ.
          Trong những lần tiếp xúc với luật sư, Huỳnh Văn Nén vẫn kêu oan. Tuy nhiên, khi xuất hiện đơn tố giác khẩn cấp của Nguyễn Phúc Thành được gửi ra từ trại giam (ngày 2.9.2000), tố giác thủ phạm giết bà Bông là Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt - người ở địa phương.
          Nguyễn Phúc Thành viết rất chi tiết: Nhóm của Thành (gồm có Thọ và Việt, Cường) thường tụ tập hút bồ đà, nhậu nhẹt, quậy phá. Do ăn chơi không có tiền, chúng tôi thường bàn nhau đi cướp. Bà Bông bị giết, Thọ là người báo cho Thành biết và nhận là giết bà Bông.
          Thọ và Việt dự định cướp nữ trang của chị Gái nhỏ (con gái bà Bông). Cả hai lấy dao từ nhà Thọ, Thọ ra giếng cắt đoạn dây dài và cả hai vào bếp nhà chị Gái nằm chờ, nhưng lại ngủ quên vì rượu. Bà Bông vê, thấy cả hai đang nằm ngủ liền gọi dậy và đuổi đi, khi bà Bông vừa quay lưng đi vào nhà chính, thì Thọ dùng dây siết cổ bà Bông cho đến chết và lấy đi chiếc nhẫn vàng.
          Tôi không tin, Thọ có cho tôi xem chiếc nhẫn, máu trên gấu quần của Thọ, được Thọ nói là máu tay bà Bông do Thọ tuốt nhẫn. Kể xong, Thọ nói muốn đi làm ăn xa và nhờ kêu xe ôm...”.
          Nguyễn Phúc Thành viết: Tôi làm đơn tố cáo khẩn cấp để bắt thủ phạm, giải oan cho anh Nén, bản thân tôi được thanh thản...”.
          “Cửa” nào để dân “đánh trống” kêu oan?
          Chúng tôi đọc kỹ cáo trạng số 84 ngày 16.8.2000 của Viện KSND tỉnh Bình Thuận, đặc biệt chú ý đến chi tiết: “Đầu ngón tay áp út bàn tay trái (bà Bông) có vết xước da mặt ngoài, khớp 1-2, không rõ kích thước, một vết rách da ngay khớp 1-2, ngón tay này còn hằn vết đeo nhẫn (BL 78-79). Chi tiết này hoàn toàn phù hợp với chi tiết trong đơn thư tố cáo của Nguyễn Phúc Thành ( lời kể của Thọ, đã đề cập phần trên).
          Thứ hai, kết luận của Viện KSND tỉnh ký trước đơn tố cáo khẩn cấp của Nguyễn Phúc Thành có 17 ngày. Trước khi viết đơn tố cáo, Nguyễn Phúc Thành đã tâm sự với Trưởng Giám thị trại Sông Cái. Theo báo Tiền Phong ra ngày 20.10.2000: “Trung tá Phạm Văn Phóng cho biết, ngày 26.8.2000, Nguyễn Phúc Thành đã tố cáo 2 kẻ giết người mà Thành biết. Ban Giám thị cho Thành viết đi viết lại nhiều lần bản tường thuật, đối chiếu thấy trùng khớp, nên đã fax về Cục V26. Mới đây, cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra CA Bình Thuận đã đến trại làm việc với Thành. Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được tin tức phản hồi từ Cục V26 cũng như Công an tỉnh Bình Thuận”.
          Luật sư Trần Vũ Hải nói rằng: Từ thông tin của trung tá Phóng, cần làm rõ kết quả thẩm tra đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành có được điều tra viên Cao Văn Hùng đưa vào hồ sơ vụ án?
          Không chỉ hai con gái nạn nhân Lê Thị Bông viết đơn gửi đến lãnh đạo cao nhất của tòa án, viện kiểm sát, Bộ Công an kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, ông Chủ tịch xã (nay là thị trấn) cũng đã có báo cáo về đơn thư tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, hai đơn kiến nghị của luật sư, chưa kể hàng chục lá đơn của cha bị cáo... không có một hồi âm.
“Cửa” nào để người dân “đánh trống” kêu oan?
02/12/2013 - 07:10
Bộ Công an làm việc với gia đình Huỳnh Văn Nén

          Sau khi gia đình kêu oan và Quốc hội có nghị quyết yêu cầu rà soát lại các án từ 20 năm tù đến tử hình, Bộ Công an đã vào cuộc.
          Ngày 1-12, gia đình bị án Huỳnh Văn Nén - người đang thụ án chung thân về tội giết người, đã thụ án được hơn 15 năm - cho biết sáng cùng ngày có ba cán bộ mặc thường phục, đến gặp gỡ và làm việc với gia đình tại Tân Minh (huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Ba cán bộ xưng là người của Tổng cục VIII (Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp), Bộ Công an đã làm việc với gia đình gần hết buổi sáng.
          Theo anh Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể bị án Nén), tại buổi làm việc, ba cán bộ này đề nghị gia đình cung cấp đơn kêu oan của ông Huỳnh Văn Truyện (cha bị án Nén); đơn kêu oan của ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hàm Tân. “Họ ghi chép rất cẩn thận và cho biết là chỉ có trách nhiệm thu thập tài liệu và làm việc với những người liên quan chứ không có chức trách điều tra. Họ cũng cho biết sau khi làm việc với gia đình, sẽ gặp và làm việc với anh Nguyễn Phúc Thành, người có hai lá đơn tố giác tội phạm về việc Nén không phải là thủ phạm giết người mà là hai người bạn của Thành. Chiều cùng ngày, họ sẽ đến Trại giam Z30A (Xuân Lộc, Đồng Nai) để làm việc với bị án Nén. Riêng ông Nguyễn Thận, những cán bộ này đã hẹn làm việc trong một dịp khác” - anh Nghĩa nói.
          Anh Thành cho biết: “Ba công an đi cùng cán bộ địa phương, ghi chép cẩn thận về nội dung tôi tố giác cùng việc điều tra viên xác minh trước đây”.
          Trước đó khi gia đình vào trại thăm nuôi, bị án Nén cũng cho biết mình đã làm đơn kêu oan gửi giám thị trại.
          Cuối tháng 11-2013, cha của Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thận ra Hà Nội gửi đơn kêu oan cho bị án Nén. Hai con gái của nạn nhân Lê Thị Bông cũng có đơn gửi VKS, TAND Tối cao và Bộ Công an yêu cầu điều tra làm rõ hung thủ giết chết mẹ mình vì họ không tin Huỳnh Văn Nén là thủ phạm.
          Như chúng tôi đã nhiều lần thông tin, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi một chiếc nhẫn vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và gần tháng sau, bị can Nén bị khởi tố, bắt giam về tội giết người, cướp tài sản. Cuối tháng 8-2000, Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận phạt tù chung thân dù Nén khai rằng điều tra viên đánh đập, mớm cung, ép cung. Sau phiên tòa, Nén không kháng cáo.
          Hai ngày sau khi Nén bị tòa phạt tù chung thân, anh Nguyễn Phúc Thành (ngụ cùng xã với Nén, đang thụ án cố ý gây thương tích tại Trại giam Sông Cái - Bộ Công an) nghe Nén bị kết án, đã xin giấy, bút viết ngay đơn tố giác gửi ban giám thị trại giam. Trong đơn anh nêu rõ: Kẻ giết bà Bông là hai người bạn của Thành chứ không phải Nén. Anh Thành nêu rõ tên, địa chỉ hai người bạn và kể tỉ mỉ việc anh cùng người bạn được cho là thủ phạm đi bán chiếc nhẫn vàng cướp được như thế nào.
          Sau khi anh Thành có đơn tố giác, Công an tỉnh Bình Thuận đã cử điều tra viên từng điều tra vụ án Huỳnh Văn Nén đến trại giam gặp anh Thành để xác minh. Sau đó, đơn tố giác của anh Thành bị rơi vào quên lãng.

Kiểm tra lại án tử hình, chung thân để tránh oan sai
Kết thúc kỳ họp quốc hội, ngày 29-11, Quốc hội ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, Quốc hội yêu cầu chánh án TAND Tối cao phải thực hiện tốt công tác giám đốc, kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự đã xét xử (trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII) có mức án tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình, có đơn kêu oan kéo dài nhằm phát hiện án oan, sai để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Việc điều tra viên Cao Văn Hùng đến trại giam gặp anh Thành để xác minh đơn tố giác là không đảm bảo sự khách quan, vô tư. Một người đã được khen thưởng về thành tích phá hai vụ án giết người nghiêm trọng (vụ “vườn điều” và vụ bà Bông) thì làm sao công tâm để điều tra theo hướng mà anh Thành tố giác? Làm như thế chẳng khác nào chối bỏ thành tích, tự vả chính mình.
Luật sư TRẦN VŨ HẢI, người trợ giúp pháp lý miễn phí cho cha bị án Nén
PHƯƠNG NAM

Được kháng nghị hủy án sau 14 năm thụ án chung thân

Thứ Hai, ngày 15/9/2014 - 02:40
 (PL)- Đó là bị án Huỳnh Văn Nén, người bị kết án chung thân về hai tội giết người và cướp tài sản, hiện vẫn còn đang thụ án. Ông Nén cũng là người bị oan trong vụ án “vườn điều” do cùng một điều tra viên thụ lý.
Ngày 14-9, một nguồn tin cho biết viện trưởng VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đề nghị TAND Tối cao hủy bản án hình sự sơ thẩm (số 96/HSST ngày 31-8-2000) của TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra, xét xử lại. Bản án này đã kết án chung thân Huỳnh Văn Nén (52 tuổi) về hai tội giết người và cướp tài sản. Quyết định kháng nghị này cũng sẽ được gửi đến Trại giam Z30A của Bộ Công an (ở Đồng Nai), nơi ông Nén đang thụ án 14 năm qua.
Như vậy, vụ án giết người, cướp của 16 năm trước gây chấn động ở Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) đã chính thức được lật lại.
“Phá án đúp”
Ngoài vụ án nói trên, Huỳnh Văn Nén còn là người bị kết án oan bảy năm tù về tội giết người trong vụ án “vườn điều” từng nổi tiếng cả nước. Trong vụ “vườn điều”, chín người bị kết án oan đã được trả tự do, được bồi thường, xin lỗi công khai, riêng ông Nén đến nay vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào. Ngược lại, ông vẫn đang ở tù vì vụ án khác mà viện trưởng VKSND Tối cao vừa kháng nghị.
Lật lại hồ sơ, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và cử điều tra viên Cao Văn H. tiến hành điều tra.
Thời điểm trên ai ở Tân Minh cũng đều biết Huỳnh Văn Nén là kẻ tưng tửng, suốt ngày lê la ngoài chợ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền cơm rượu. Sau vụ án mạng nói trên xảy ra, trong khi cơ quan điều tra đang chưa tìm ra hung thủ, rượu vô, Nén thường vỗ ngực cho rằng chính mình là người đã giết bà Bông.
Gần một tháng sau ngày nạn nhân bị giết, Nén bị khởi tố, bắt giam. Sau này tại tòa, Nén đã khai rằng điều tra viên Cao Văn H. đã đánh đập, mớm cung, ép cung nhiều ngày liền để buộc Nén phải khai nhận tội.
Sau khi Nén nhận giết bà Bông, điều tra viên tiếp tục dấn thêm bước nữa bằng cách buộc Nén phải khai nhận đã cùng với gia đình bên vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” đã xảy ra năm năm trước đó.
Để thoát án tử hình, theo mớm cung của điều tra viên, Nén khai một mạch chín người trong gia đình vợ mình tham gia giết người trong vụ án “vườn điều”. Từ lời khai này, ba thế hệ trong một gia đình gồm chín người và cả Nén bị truy tố và kết án oan. Sau này cả chín người này đều được minh oan, còn hung thủ trong vụ án “vườn điều” mãi đến nay vẫn chưa ló dạng.
Chứng cứ mâu thuẫn vẫn kết tội
Trở lại vụ án giết bà Bông, hôm đưa Nén về dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của hàng trăm người, Nén đứng đực mặt ngớ ngẩn và nói với điều tra viên: “Em có biết gì đâu!”. Nhưng rồi sau đó, ngày 31-8-2000, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt Nén tù chung thân cho cả hai tội giết người và cướp tài sản. Sau phiên tòa sơ thẩm, “hung thủ” ngớ ngẩn Huỳnh Văn Nén đã không biết làm đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm vì vậy có hiệu lực pháp luật. Từ đó Nén thụ án chung thân cho đến nay.
Hồ sơ truy tố Huỳnh Văn Nén chỉ xem qua đã thấy hàng loạt mâu thuẫn. Cáo trạng ghi: “Phía hiên nhà chính hướng Tây Nam phát hiện một dấu bàn chân không dép in hằn dưới cát có kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm (…). Phía trong nhà trên mặt ghế sa lông bọc da có ba dấu chân không dép, in đất trên mặt ghế, có kích thước 22 x 8 cm, gót rộng 4 cm”. Rõ ràng đã có hai dấu chân với hai kích cỡ khác nhau, trong khi Nén nhận một mình giết người. Một người có chút ít kinh nghiệm điều tra đã có thể phát hiện ra mâu thuẫn này. Thế nhưng điều tra viên đã không tiến hành so sánh trực tiếp dấu vết ở hiện trường và dấu chân của Nén.
Còn nữa, tại hiện trường, cơ quan điều tra và người dân phát hiện một con dao phay cán bằng gỗ tròn, mũi nhọn, dài khoảng 30 cm nằm sát hàng rào nhà bà Bông. Nhưng khi lập biên bản thu thập vật chứng thì con dao này không còn ở đó. Mặt khác, tại giếng nước nhà bà Bông còn có một con dao khác, mũi dao không nhọn, dài khoảng 20 cm. Có thể nào cùng một lúc Huỳnh Văn Nén sử dụng đến hai con dao để cắt dây dù làm hung khí gây án? Đương nhiên cơ quan tố tụng không hỏi câu này nên hồ sơ cũng không có câu trả lời.
Ngoài ra, theo lời khai của Nén, sau khi dùng dây dù siết cổ bà Bông chết, Nén cầm dây theo và ném bỏ gần đường mòn. Thực tế khi thu hồi tang vật, sợi dây dù nằm trên một bãi cỏ khác cách xa đường mòn nơi Nén khai hơn 100 m. Trong khi đó, tại phòng khách nhà bà Bông còn có thêm một sợi dây dù nữa dài 1 m! Vậy là cùng một lúc có hai sợi dây dù gây án, không biết dây nào là thật, dây nào là giả.
Chưa hết, theo lời khai của Nén thì giết bà Bông để lấy một chỉ vàng bọc vào túi áo và bị rớt khi bỏ chạy từ đường mòn ra bờ suối. Trong lúc tháo chạy, Nén còn lấy một ổ khóa trong nhà bà Bông để phòng vệ và sau đó đã ném ổ khóa vào lùm cỏ gần đường mòn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thu được hai vật chứng trên.
Hung thủ là hai người khác?
Ngày 2-9-2000, hai ngày sau khi phiên tòa sơ thẩm xử Huỳnh Văn Nén, anh Nguyễn Phúc Thành (trú Tân Minh, lúc đó đang thụ án về tội cố ý gây thương tích tại trại giam Sông Cái ở Ninh Thuận) nghe loáng thoáng Nén đã bị kết án tử hình trong vụ giết bà Bông. Thành biết rõ hai người bạn thân của mình mới là thủ phạm giết chết bà Bông, còn Nén đã bị kết án oan.
Lương tâm trỗi dậy, lập tức Thành xin giấy bút viết ngay đơn tố giác gửi ban giám thị trại giam.
Theo đơn của Thành thì chính Nguyễn Th. và Hồ Văn V. (đều ngụ Tân Minh) đã giết chết bà Bông. Sau khi gây án, Th. và V. đã kể lại cho Thành biết ý định không phải là giết bà Bông mà là con gái bà vì cô này có đeo nhiều nữ trang. Sau khi đột nhập vào bếp, Th. lấy hai con dao đưa cho V. một con, sau đó ra giếng cắt dây dù rồi vào bếp mai phục con gái bà Bông đi bán về. Do ngấm rượu, cả hai đều ngủ say cho đến khi bà Bông bán ở chợ về phát hiện. Th. đã dùng dây dù siết cổ bà Bông cho đến chết mặc dù V. đã lên tiếng ngăn cản. Th. còn đưa chiếc nhẫn cướp được cho anh Thành xem và sợ anh Thành chưa tin, y còn chỉ vết máu dưới lai quần và cho biết đó là máu ngón tay của nạn nhân khi tháo nhẫn đã bị trầy. Sau đó Th. đã rủ anh Thành gọi xe ôm chở vào một tiệm vàng ở xã Xuân Hòa, Xuân Lộc (Đồng Nai) bán lấy tiền. Sau đó thì Th. đón xe đi biệt tích…
Đơn tố giác này hết sức phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, trùng khớp với việc quản lý nhân khẩu của Công an xã Tân Minh. Theo đó, Nguyễn Th. đã đi khỏi địa phương từ cuối tháng 4-1998, còn Hồ Văn V. rời khỏi địa phương từ đầu tháng 9-2000 (sau khi Nén bị xử tù chung thân).
Nội dung đơn tố giác của anh Thành đã được chuyển cho Cục V26 - Bộ Công an. Sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận lại cử điều tra viên Cao Văn H. đi xác minh.
Theo luật sư Phạm Hồng Hải và Trần Vũ Hải thì ông H. đến trại giam gặp anh Thành chủ yếu là răn đe và lập biên bản nhưng không ghi đầy đủ, chính xác lời khai của anh Thành. Theo các luật sư trên, cơ quan điều tra giao cho ông Cao Văn H. đi xác minh là không đảm bảo khách quan. Một người đã được khen thưởng về “thành tích phá hai vụ án giết người nghiêm trọng” lẽ nào lại có thể xác minh công tâm đơn tố giác của anh Thành để điều tra theo hướng khác, tức là chối bỏ thành tích và kết quả điều tra trước đó của chính mình.
Vì vậy, đơn tố giác nói trên sau đó rơi vào im lặng âu cũng là điều dễ hiểu. Một thời gian sau, điều tra viên Cao Văn H. bị sa thải khỏi ngành công an do có sai phạm trong một vụ án ma túy…
Hy vọng từ kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ.
PHƯƠNG NAM
Những xác minh ban đầu
Sau thời gian dài gia đình bị án Huỳnh Văn Nén kêu oan và báo chí vào cuộc phản ánh, tháng 12-2013, Tổng cục VIII - Bộ Công an đã cử cán bộ đến Tân Minh làm việc với gia đình. Ngày 16-4-2014, ông Đinh Khắc Tiến, lãnh đạo một đơn vị nghiệp vụ của VKSND Tối cao, cùng hai kiểm sát viên cao cấp vào Tân Minh làm việc với ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Hàm Tân. Các cán bộ VKSND Tối cao cũng đã làm việc với anh Nguyễn Phúc Thành, người đứng đơn tố giác (đã ra tù) và ông HNN, người hành nghề chạy xe ôm, được cho là đã trực tiếp chở hai hung thủ giết bà Bông đi bán vàng.
Ngoài ra, đại diện VKSND Tối cao cũng đã làm việc với chủ tiệm vàng TP ở Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Bùi Minh Đăng (nguyên Phó Công an xã Tân Minh, hiện là phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Tân Đức, Hàm Tân, người đã khẳng định thời điểm xảy ra vụ án bà Bông, Th. và V. có mặt tại Tân Minh chứ không ngoại phạm như báo cáo của điều tra viên đã nêu)…

 

Hành trình kêu oan của ông Huỳnh Văn Nén

Thứ Ba, ngày 16/9/2014 - 02:35
          (PL)- Không chỉ cha con ông Huỳnh Văn Nén, gia đình nạn nhân, anh Nguyễn Phúc Thành mà cả chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cũng hết lòng kêu oan cho ông Nén.
Như đã thông tin, sau hơn 16 năm ngồi tù, mới đây, ông Huỳnh Văn Nén được VKSND Tối cao kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân ông hơn 14 năm về trước. Có được kết quả bước đầu này là nhờ quá trình kêu oan bền bỉ của không chỉ ông Nén và gia đình.
Rơi vào thinh không
Sự việc bắt đầu từ một vụ án mạng xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Nạn nhân là bà Lê Thị Bông bị kẻ thủ ác vào nhà dùng dây siết cổ đến chết rồi cướp một chỉ vàng. Trong khi cơ quan điều tra chưa tìm ra hung thủ, lúc rượu vào, Huỳnh Văn Nén nói tưng tửng rằng chính mình là thủ phạm. Ai ngờ sau đó Nén bị bắt. Nén khai quá trình điều tra ông bị điều tra viên Cao Văn H. ép cung, mớm cung và dùng nhục hình, buộc phải khai nhận tội.
Chưa hết, điều tra viên này còn “làm cho” ông Nén phải nhận mình cùng chín người khác bên gia đình vợ đã giết chết bà Lê Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” xảy ra từ năm năm trước đó. Từ đó ông Nén và chín người này bị kết án oan, sau đó cơ quan tố tụng phải xin lỗi, bồi thường oan cho chín người đó (chỉ có ông Nén là chưa được xin lỗi, bồi thường).
Trở lại vụ án bà Bông, sau ngày ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án chung thân (31-8-2000), anh Nguyễn Phúc Thành, một bị án đang thụ án về tội gây rối trật tự công cộng, đã viết đơn tố giác hai người bạn của mình mới chính là hung thủ, còn ông Nén bị oan.
Gần ba tháng sau, ngày 4-11-2000, điều tra viên Cao Văn H. đến Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận, nơi anh Thành đang thụ án) để làm việc. Gặp anh Thành, điều tra viên H. cho rằng anh tố cáo sai và yêu cầu anh rút đơn, nếu không sẽ phải ở tù lâu hơn. Anh Thành phản ứng và yêu cầu được gặp các nhân chứng có liên quan nhưng điều tra viên không đồng ý. Vẫn theo lời anh Thành, khi anh đề nghị viết ý kiến của mình dưới biên bản, ông Cao Văn H. quát: “Ai cho mày viết hả, mày muốn chết tao cho mày chết!”.
Toàn bộ thái độ hung hăng của điều tra viên sau đó đã được anh Thành báo cáo cho cán bộ trại giam. Tuy nhiên, theo anh Thành, từ đó đến nay không thấy có cán bộ nào đến hỏi anh về vụ việc trên.
“Trời cao có mắt”
Lá đơn tố giác khá xác đáng của anh Nguyễn Phúc Thành lẽ ra đã là tình tiết mới, căn cứ để cơ quan tố tụng kháng nghị, xem xét lại vụ án. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Vụ án tạm thời khép lại, ông Nén tiếp tục ngồi tù.
Điều lạ là mặc dù án mạng đã điều tra xong, tòa đã kết án, “hung thủ” đã ngồi tù nhưng gia đình nạn nhân không hề tin tưởng vào kết quả phá án ấy. Vì vậy ngày 25-3-2006, chị Phạm Thị Hồng, con ruột của nạn nhân Lê Thị Bông, đã gửi đơn đến các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương yêu cầu làm rõ hung thủ thật sự đã giết chết mẹ chị vì gia đình không tin Nén là thủ phạm. Tuy nhiên, cũng như đơn tố giác của anh Thành, đơn của chị Hồng đã không thể xoay chuyển vụ việc.
Lại nói về anh Nguyễn Phúc Thành, sau khi ra tù, biết ông Nén vẫn còn ngồi tù oan trong khi hung thủ thật sự của vụ án vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lương tâm anh Thành vô cùng cắn rứt. Ngày 20-11-2013, anh Thành tiếp tục viết đơn tố giác gửi đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Lá đơn này một lần nữa khẳng định Huỳnh Văn Nén không phải là hung thủ giết bà Bông. Lần này thì “trời cao có mắt”, nội dung đơn của anh bước đầu đã thuyết phục những người có trách nhiệm. Và rồi đại diện Tổng cục VIII Bộ Công an và VKSND Tối cao đã đến gặp anh làm việc. Và mới đây nhất, VKSND Tối cao đã kháng nghị yêu cầu lật lại vụ án.
“Thú thật, khi nghe tin này tôi đã bật khóc vì mừng. Vậy là anh Nén đã có cơ may được minh oan” - ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Hàm Tân, nói. Ông Thận chính là người tích cực kêu oan giùm cho ông Nén. Trước đó khi biết tin chín người trong vụ án “vườn điều” được trả tự do, ông Thận cũng đã bật khóc vì mừng.
Từng là chủ tịch UBND xã Tân Minh hơn chục năm, khi cơ quan điều tra bắt giam những người trong hai vụ án trên, ông đã trực tiếp thảo công văn, ký tên, đóng dấu gửi đi khắp nơi để kêu oan giúp họ. Chính ông Thận đã xin nghỉ phép để đưa cha ruột Huỳnh Văn Nén là ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi) từ Cà Mau đi Hà Nội gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho con trai. Để có chi phí, ông già 90 tuổi này đã phải cầm cố sáu công đất ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau lấy tiền cùng ông Thận ra Hà Nội.
“Tôi biết khi tôi làm đơn kêu oan cho những người dân chẳng thân thuộc, họ hàng là tự mang rắc rối vào người. Suy cho cùng khi minh oan được cho người này là chứng minh sai phạm của những người từng cầm cân nảy mực nhưng lại kết án oan cho người vô tội. Đó là chưa nói, với kẻ thủ ác thật sự, tôi sẽ là cái gai trong mắt họ…” - ông Thận tâm sự.
PHƯƠNG NAM
Hai người được cho là hung thủ thật sự giờ ra sao?
Trong đơn tố giác, anh Nguyễn Phúc Thành nêu rõ đích danh hai người giết chết bà Lê Thị Bông. Đó là Nguyễn Th. và Hồ Văn V., người cùng địa phương với bà Bông và ông Nén. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Hồ Văn V., một trong hai người nói trên, đã chết.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) gửi chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao và bộ trưởng Bộ Công an thì cả Nguyễn Th. và Hồ Văn V. đều nằm trong băng nhóm hút bồ đà (một chất gây nghiện). Băng nhóm này có gần chục thanh niên thường xuyên tụ tập ăn nhậu, trộm cắp, gây rối và dùng hung khí đánh nhau. Năm 1997, Công an xã Tân Minh đã lập hồ sơ để đưa đi trường giáo dưỡng. Sau khi vụ án bà Bông xảy ra và bị cáo Huỳnh Văn Nén bị đưa ra xét xử, ngày 8-9-2000, V. cùng hai thanh niên khác dùng vỏ chai bia đánh vào đầu một nhân viên Lâm trường Tánh Linh gây thương tích. Do sợ bị bắt, gia đình đã đưa V. đi trốn tại nhà chị ruột ở Quảng Nam một thời gian dài. Sau đó V. về lại Tân Minh và năm 2011 thì qua đời do bị bệnh.
Riêng Nguyễn Th., người được cho là hung thủ dùng dây siết cổ bà Bông đến chết và trực tiếp tháo chiếc nhẫn trên tay bà mang đi bán, đã bỏ trốn khỏi địa phương từ cuối tháng 4-1998 ngay sau khi gây án. Thời gian đầu, Th. phụ với người cậu ruột ở Cần Thơ làm nghề sản xuất kem. Sau đó Th. bỏ trốn lên Gia Lai và gần đây có thông tin Th. đang ở Quảng Trị tại một địa phương giáp biên giới với Lào.

Chính thức kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén

          (PL)- Theo VKSND Tối cao, vụ án này thiếu cơ sở khoa học, thiếu chứng cứ nhưng tòa vẫn kết tội và xử chung thân bị cáo.
          Ngày 24-10, viện trưởng VKSND Tối cao đã ký kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén. Theo đó, viện trưởng VKSND  tối cao quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo hướng hủy phần tội danh giết người và cướp tài sản đối với Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
          Ông Nén là người bị quy kết đã giết bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) để cướp tài sản và bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản.
          Ở tuổi 52, ông Nén đã ngồi tù hơn 14 năm, nhiều hơn ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang bốn năm. Ông hiện vẫn đang chấp hành án tại Trại giam Z30A của Bộ Công an ở tỉnh Đồng Nai.
          Ông Nén còn là người từng bị oan trong vụ án “vườn điều” vụ án oan kinh điển nổi tiếng cả nước, từng được viết thành sách nhưng ông chưa được minh oan. Với kháng nghị này có khả năng ông sẽ được minh oan và là người độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Bị kết án oan đến hai lần, trong hai vụ án khác nhau.
          Cùng lúc “phá” được hai vụ án
          Như vậy sau 16 năm, vụ án giết người, cướp của từng gây chấn động ở xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) đã chính thức được lật lại.
          Lật lại hồ sơ, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh bị hung thủ đột nhập vào nhà dùng dây dù siết cổ chết tại chỗ và cướp đi chiếc nhẫn một chỉ vàng 24K. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án và cử điều tra viên Cao Văn Hùng tiến hành điều tra.
          Thời điểm trên người nào ở xã Tân Minh cũng đều biết Huỳnh Văn Nén là kẻ tưng tửng, suốt ngày lê la ngoài chợ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền cơm rượu. Sau vụ án mạng nói trên xảy ra, trong khi cơ quan điều tra (CQĐT) chưa tìm ra hung thủ, rượu vô Nén thường vỗ ngực cho rằng chính mình là người đã giết bà Bông. Không ngờ lời nói đùa của kẻ say xỉn lại trở thành “manh mối” quan trọng để người ta vịn vào và “nhanh chóng phá án”.
          Gần một tháng sau ngày nạn nhân bị giết, ông Nén bị khởi tố, bắt giam. Sau này tại tòa, ông Nén khai rằng điều tra viên Cao Văn Hùng đã đánh đập, mớm cung, ép cung nhiều ngày liền để buộc Nén phải khai nhận tội.
          Sau khi ông Nén nhận giết bà Bông, điều tra viên Cao Văn Hùng thừa thắng xông lên, tiếp tục buộc Nén phải khai nhận đã cùng với gia đình bên vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” đã xảy ra năm năm trước đó.
          Để thoát án tử hình, theo mớm cung của điều tra viên, Nén khai một mạch chín người trong gia đình vợ mình tham gia giết người trong vụ án “vườn điều”. Từ lời khai này, ba thế hệ trong một gia đình gồm chín người và cả Nén bị truy tố và kết án. tại thời điểm vừa phá xong hai vụ án, điều tra viên Cao Văn Hùng đã được khen thưởng về thành tích phá hai vụ án giết người nghiêm trọng.
          Sau này, cả chín người này đều được minh oan, riêng Nén đang phải ngồi tù trong vụ án bà Bông thì chẳng ai đoái hoài gì đến chuyện xin lỗi, bồi thường, còn hung thủ trong vụ án “vườn điều” mãi đến nay vẫn chưa ló dạng.
          Điều tra sơ sài, thiếu căn cứ khoa học
          Trở lại vụ án bà Bông, trong bản kháng nghị, viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng đây là vụ án không quả tang, quá trình điều tra, xét xử đối với Nén về hai tội giết người, cướp tài sản có nhiều thiếu sót, vi phạm. Cụ thể: CQĐT không thu giữ được số vật chứng như sợi dây dù Nén khai dùng siết cổ bà Bông, ổ khóa nhà bà Bông và một chỉ vàng 24K của nạn nhân. Các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây Nén khai dùng siết cổ nạn nhân. CQĐT không lấy lời khai của chị Hồng (con bà Bông) để làm rõ cách buộc môtơ nhằm thực nghiệm lại cách thức cắt, vị trí cắt dây.
          Theo viện trưởng VKSND tối cao, khám nghiệm hiện trường thu được hai loại dấu chân. Tại sân gần hiên nhà chính có dấu bàn chân phải dài 23 cm, rộng 9 cm, rộng gót 4,5 cm. Trên mặt ghế salon trong nhà có ba vết dấu chân kích thước dài 22 cm, rộng bàn chân 8,5 cm, rộng gót 4 cm. Ngày 12-5-2000, CQĐT đưa ghế salon của gia đình nạn nhân đến trại giam để Nén đứng lên ghế. Kết quả thu được dấu chân của Nén dài 22,5 cm, rộng bàn 8,5 cm, rộng gót 4 cm. Theo giải thích của CQĐT thì khó tiến hành giám định so sánh được giữa dấu vết bàn chân thu của Nén và dấu vết bàn chân thu tại hiện trường do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch.
          Bản án sơ thẩm căn cứ vào các dấu chân để lại hiện trường, kết quả so sánh kích thước dấu chân nhưng không tiến hành xác định được sự đồng nhất giữa dấu chân để lại hiện trường và dấu chân của Nén (như so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân, so sánh về diện tích, khoảng cách các mu bàn chân, so sánh về các vân trong lòng bàn chân…). Thế nhưng án sơ thẩm lại giải thích “do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước có thể bị sai lệch” để xác định đó là dấu chân của Nén. Viện trưởng VKSND tối cao nhận định việc giải thích này là không có cơ sở khoa học.
          “Kịch bản” tồi so với hiện trường vụ án
          Theo viện trưởng VKSND Tối cao, các lời khai nhận tội ban đầu của Nén đều không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai nhận tội sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của một số nhân chứng như về cách thực hiện hành vi giết bà Bông.
          Ban đầu, Nén khai dùng tay bóp cổ, lời khai sau Nén khai vòng dây qua cổ từ phía sau siết cổ bà Bông. Có lời khai Nén vòng dây qua cổ rồi giật mạnh làm bà Bông ngã ngửa, sau đó mới dùng dây siết xuống cổ bà Bông. Nhiều lời khai Nén khai giết bà Bông ở nhà dưới nhưng tại lời khai ban đầu lại khai giết bà Bông ở nhà trên nhưng không phủ chăn (mền) lên xác bà Bông sau khi giết. Nén khai sau khi gây án không tắt đèn trong nhà nhưng con gái của nạn nhân khai về nhà thấy đèn tắt nên mở. Nén khai không lục lọi đồ vật trong nhà bà Bông nhưng khi con gái nạn nhân về thấy trong nhà có xáo trộn ở các vị trí, nệm giường của chị bị kéo lệch, cửa tủ giường bị mở…
          Về khoảng thời gian sau khi giết bà Bông thì Nén đi đâu, làm gì vẫn chưa được làm rõ. Về dấu vết trên cơ thể người bị hại, CQĐT chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương. Đáng chú ý bản án sơ thẩm mô tả khi Nén vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ trong khi cáo trạng lại thể hiện khi Nén vào nhà bà Bông đang giũ giường ngủ. Theo viện trưởng VKSND Tối cao, tòa cấp sơ thẩm kết án Nén về tội giết người, cướp tài sản là chưa đủ căn cứ vững chắc.
          Đặc biệt, ngày 16-8-2000, VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay đổi cáo trạng ký trước đó (ngày 27-7-2000) nhưng bản án sơ thẩm lại căn cứ vào cáo trạng cũ để xét xử và cáo trạng này cũng không có trong hồ sơ. Việc xét xử là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS.
          Ngoài ra đơn của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành tố giác người khác giết chết bà Bông chứ không phải Huỳnh Văn Nén là nguồn tin tố giác tội phạm nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Những người tham gia trong vụ Huỳnh Văn Nén
Đầu tiên là điều tra viên Cao Văn Hùng, điều tra viên thuộc CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận. Ông Hùng sau này bị sa thải khỏi ngành công an do có sai phạm trong một vụ án ma túy. Ông Hùng hiện đang làm luật sư.
Người ký cáo trạng truy tố Huỳnh Văn Nén là bà Phạm Thị Hồng Dung, lúc đó là phó viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận. Sau này bà Dung lên chức viện trưởng, bà đã về hưu và hiện đang làm luật sư.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử ông Nén là thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm. Ông Tâm hiện là phó chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận.
Bỏ qua nghi can quan trọng
Để soi kỹ từng góc nhỏ trong “kỳ án” này, chúng tôi đã làm việc với ông Bùi Minh Đăng, nguyên Phó Công an xã Tân Minh (hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận).
Theo ông Đăng, khi xảy ra vụ giết chết bà Lê Thị Bông vào đêm 23-4-1998, với tư cách là phó công an xã, ông được phân công thu thập và báo cáo lại tình hình cho cqđt. Ông Đăng cho biết ngay từ đầu Công an xã Tân Minh đã xác định Nguyễn Th. và Hồ Văn V. (hai người bị tố giác là thủ phạm giết chết bà Bông) thời điểm xảy ra vụ án có mặt tại địa phương. Tuy nhiên, cqđt mà cụ thể là điều tra viên Cao Văn Hùng lại cho rằng cả hai đều ngoại phạm.
“Sau khi Huỳnh Văn Nén bị bắt giam, tôi đã trực tiếp viết tay, ký tên, đóng dấu báo cáo việc này đến các cơ quan chức năng. Báo cáo này hoàn toàn phù hợp với đơn tố giác tội phạm của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành gửi từ Trại giam Sông Cái tố cáo Th. và V. mới là thủ phạm chứ không phải là Huỳnh Văn Nén. Điều này cũng phù hợp với lời khai của anh HNN, người chạy xe ôm chở Th. và V. đi đến tiệm vàng TP (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai) để bán một chỉ vàng cướp được của nạn nhân. Nó cũng phù hợp với nhiều nhân chứng khác. Toàn bộ những điều này tôi đã trình bày đầy đủ cho các cán bộ điều tra của VKSND Tối cao đến huyện Hàm Tân làm việc với tôi vào tháng 4-2014” - ông Đăng khẳng định.
PHƯƠNG NAM
Điều tra viên vụ ông Huỳnh Văn Nén nói gì?
PHƯƠNG NAMThứ Ba, ngày 4/11/2014 - 02:40
           (PL)- “Ông Nén có thể oan cũng có thể không oan” - ông Cao Văn Hùng, nguyên điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án Huỳnh Văn Nén trước đây, nói.
          . Phóng viênThưa ông, ông nghĩ gì về việc VKSND Tối cao vừa kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén mà ông từng trực tiếp điều tra 14 năm về trước?
          + Ông Cao Văn Hùng: Mấy hôm nay tôi có xem báo, tôi thấy không khách quan. Tôi chỉ một lần ra Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) và cùng đi với ông Đinh Kỳ Đáp (Phó phòng CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận lúc đó - PV) để làm việc. Trong lúc làm việc đều có hai người và một cán bộ trại. Lời lẽ mà Thành (bị án Nguyễn Phúc Thành lúc ấy, xin xem box bên phải - PV) bảo tôi đe dọa “mày muốn chết…” đúng là chỉ một phía nói không. Việc đó nó chỉ trình bày mình ghi lại thôi, làm sao có chuyện đe dọa rút đơn.
          Điều tra hai hướng, sau đó khép lại một hướng
          . Theo ông thì ông Huỳnh Văn Nén có oan không?
          + Cái việc mà người ta kháng nghị là quyền của họ. Người ta thấy có những dấu hiệu mà chưa rõ ràng lắm thì kháng nghị nhưng quá trình xác minh, điều tra có thể oan cũng có thể không oan. Đối với việc liên quan vụ án, tôi có trách nhiệm trình bày với ban chuyên án, với cơ quan điều tra.
          . Ông nghĩ sao khi ông Bùi Minh Đăng (nguyên phó Công an xã Tân Minh, hiện là phó chủ tịch UBMTTQ xã Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận - PV) ngay từ đầu đã xác định Th. và V. có mặt tại thời điểm vụ án xảy ra chứ không ngoại phạm như báo cáo của ông?
          + Bây giờ tôi mới nói, tổ điều tra đó không phải riêng cá nhân tôi. Khi thành lập ban chuyên án rất đông người chứ không phải một mình tôi. Việc xác minh Th. và Lộc (?) (anh ruột Th. - PV) từ trước thời điểm chưa phát hiện ra Huỳnh Văn Nén. Lúc đó điều tra theo hai hướng, một tổ theo hướng cướp của giết người; tổ còn lại điều tra theo hướng thù tức cá nhân. Khi lập danh sách, chúng tôi đã đưa những đối tượng hình sự này vào chứ không phải loại ngay từ đầu. Kết quả xác minh được biết cả hai không có mặt tại địa phương tại thời điểm xảy ra vụ án nên không đưa vào diện đi sâu để làm rõ thêm.Thế nhưng một năm sau, ông Đăng làm văn bản báo cáo cho rằng việc xác minh là sai, cả hai có mặt tại địa phương vào thời điểm vụ án xảy ra. Tài liệu này ông Đăng đúng hay sai thì anh em tự tìm hiểu, tôi không thanh minh chuyện đó.
          “Thấy ngoại phạm nên không xác minh”
          . Một mình ông Nén nhưng lại sử dụng cùng lúc hai con dao? Có bao giờ khi nhìn lại vụ án ông thấy mâu thuẫn không?
          + Đối với hai con dao, tình tiết Nén khai rất rõ ràng. Đó là dùng một con dao để cắt dây và dấu vết nham nhở trên dây hoàn toàn phù hợp với lời khai là do dao cùn. Vì không cắt được dây nên khi đi qua hàng rào Nén ném đi rồi vào lấy con dao khác để cắt. Do đó mới biết tại sao một mình Nén lại sử dụng hai con dao. Toàn bộ đều được khai rõ ràng, rất hợp lý. Đó là chuyện bình thường.
          . Vậy còn điều không bình thường là có tới hai dấu chân kích cỡ khác nhau. Đây là điều trái với với khoa học điều tra hình sự nếu cho rằng chỉ có một người?
          + Hai dấu chân, một cái ở nền hiên nhà, một cái trên ghế nệm. Cái ghế nệm mút đấy khi giẫm phải sẽ rối lên. Đương nhiên hai dấu chân để lại ở hai điều kiện khác nhau thì phải khác nhau chứ. Bây giờ, xin lỗi, mình cũng rất đau đầu.
          . Trong quá trình điều tra, có lần nào ông đến tiệm vàng TP ở Xuân Lộc, Đồng Nai - nơi nghi ngờ Th. và V. bán vàng cướp được để xác minh chưa?
          + Cái đó là không, không xác minh. Khi thấy có căn cứ ngoại phạm thì thôi.
          “Lời khai của Nén là tự nguyện” (!?)
          . Không xác minh những tình tiết được xem là quan trọng của vụ án? Ông có thể khẳng định lại việc bắt Huỳnh Văn Nén là oan hay không oan?
          + Việc oan hay không oan để cơ quan chức năng người ta làm. Bây giờ tôi có nói thì bảo tôi tự bảo vệ mình. Còn tôi khẳng định một điều chắc chắn là tôi không dùng nhục hình, bức cung để buộc Nén khai. Lời khai của Nén là tự nguyện trên cơ sở không còn cách nào khác, bởi về mặt tiêu thụ thời gian bất minh, không hợp lý nên cuối cùng phải khai ra. Đây là lời khai tự nguyện chứ tôi không bày vẽ hay áp đặt (!?).
          . Vậy thưa ông, “lời khai tự nguyện” của ông Nén trong vụ án “vườn điều” cũng do ông điều tra đã dẫn đến chín người, ba thế hệ trong một gia đình bị bắt giam oan thì sao?
          + Cái vụ vườn điều là do quan điểm, oan hay không là do quan điểm. Còn tôi với tư cách là người trực tiếp làm nên khẳng định chính xác chứ không oan gì hết. Còn quan điểm xử lý có người thì cho rằng có căn cứ để buộc tội, có người nói chưa đủ. Cuối cùng một số người cho là oan. Việc oan hay không cơ quan chức năng đã kết luận rồi, tôi có nói ngược lại cũng không được gì.
          . Trở lại vụ Huỳnh Văn Nén, ông có thấy mâu thuẫn và bất hợp lý không khi chính mình là người trực tiếp điều tra vụ án, kết tội ông Nén, sau đó lại đi xác minh đơn tố cáo hai nghi can khác để minh oan cho ông Nén?
          + Việc tôi đi xác minh là được phân công của thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, còn việc bên ngoài đánh giá là việc của người ta chứ…
. Xin cám ơn ông.
Đi xác minh để… phủ nhận chính mình
Như đã thông tin, sau hơn 16 năm ngồi tù, mới đây ông Huỳnh Văn Nén được VKSND Tối cao kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân ông hơn 14 năm về trước.
Vụ án này đáng lẽ đã được xem xét ngay sau khi TAND tỉnh Bình Thuận tuyên án chung thân ông Nén (ngày 31-8-2000). Bởi lúc ấy, anh Nguyễn Phúc Thành (người cùng xã với ông Nén và nạn nhân, lúc ấy đang thụ án tại Trại giam Sông Cái, Ninh Thuận) đã viết đơn tố giác hai người bạn của mình mới chính là hung thủ, còn ông Nén bị oan.
Theo đơn của Thành thì chính Nguyễn Th. và Hồ Văn V. (đều ngụ xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) đã giết chết bà Lê Thị Bông. Sau khi gây án, Th. và V. đã kể lại cho Thành biết mình đã giết bà Bông rồi cướp vàng, sau đó nhờ Thành gọi xe ôm chở Th. đến tiệm vàng ở Xuân Lộc (Đồng Nai) bán vàng… Đơn tố giác này hết sức phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, trùng khớp với việc quản lý nhân khẩu của Công an xã Tân Minh. Theo đó, Nguyễn Th. đã đi khỏi địa phương từ cuối tháng 4-1998, còn Hồ Văn V. rời khỏi địa phương từ đầu tháng 9-2000 (sau khi ông Nén bị xử tù chung thân).
Nội dung đơn tố giác của anh Thành đã được chuyển cho Cục V26 - Bộ Công an. Sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cử điều tra viên Cao Văn Hùng đi xác minh. Gặp anh Thành, điều tra viên Hùng cho rằng anh tố cáo sai và yêu cầu anh rút đơn, nếu không sẽ phải ở tù lâu hơn. Anh Thành phản ứng và yêu cầu được gặp các nhân chứng có liên quan nhưng điều tra viên không đồng ý. Vẫn theo lời anh Thành, khi anh đề nghị viết ý kiến của mình dưới biên bản, ông Cao Văn Hùng quát: “Ai cho mày viết hả, mày muốn chết tao cho mày chết!”.
Toàn bộ thái độ hung hăng của điều tra viên sau đó đã được anh Thành báo cáo cho cán bộ trại giam. Tuy nhiên, theo anh Thành, từ đó không thấy có cán bộ nào đến hỏi anh về vụ việc trên. Vụ án tạm thời khép lại, ông Nén tiếp tục ngồi tù.
Sau khi ra tù, ngày 20-11-2013, anh Thành tiếp tục viết đơn tố giác gửi đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Sau đó, đại diện Bộ Công an và VKSND Tối cao đã đến gặp anh làm việc. Mới đây nhất, VKSND Tối cao đã kháng nghị yêu cầu lật lại vụ án.
PHƯƠNG NAM
Huỳnh Văn Nén khai làm ‘diễn viên’
Thứ Ba, ngày 4/11/2014 - 02:35
           (PL)- Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31-8-2000, Huỳnh Văn Nén gần như khai rành rọt và trơn tru hành vi giết người, cướp tài sản của mình.
          Ông Nén còn khai rành mạch vào năm 1993 mình cùng với chín người trong gia đình phía vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều”. ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án chung thân (trong vụ án bà Lê Thị Bông bị sát hại).
          Ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi, cha ruột ông Nén) kể sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 11-9-2000, ông đến trại giam thăm nhưng không gặp được ông Nén. Theo ông Truyện, lúc đó ông đã nghe thông tin hung thủ giết chết bà Bông không phải là con trai mình nên ngay hôm sau (12-9-2000), ông đón xe vào báo Pháp Luật TP.HCM xin tư vấn pháp luật miễn phí và được báo hướng dẫn làm đơn kháng cáo kêu oan.
          Ngày 15-9-2000 (thời hạn cuối cùng nộp đơn kháng cáo), ông đến TAND tỉnh Bình Thuận thì được biết con trai ông chưa nộp đơn kháng cáo. Ông Truyện tức tốc vào trại giam xin gặp giám thị để trao đổi, tạo điều kiện cho con được làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, ông đã không được gặp giám thị. Vậy là án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật vì không có kháng cáo, kháng nghị.

          Tuy nhiên, tại bốn phiên tòa xử vụ án “vườn điều”, ông Nén đều kêu oan cho mình và cho gia đình bên vợ. Ông cho rằng mình bị ép cung, đánh đập để khai ra vụ giết bà Bông và được điều tra viên hứa bảo toàn mạng sống nếu khai theo yêu cầu. Do đó, ông phải khai việc tham gia cùng gia đình phía vợ trong vụ án “vườn điều” trong khi lúc đó ông đang làm thuê ở Đồng Nai, không có mặt ở Bình Thuận. Khi tòa công bố lá thư xin lỗi của ông Nén do đã vu khống điều tra viên mớm cung, đánh đập, ông Nén khẳng định mình đã được “đạo diễn” để viết bởi mình mới học lớp 4, không thể viết thư trơn tru, văn vẻ như vậy.